CÁCH THỜ PHẬT

…Bây giờ ta nói về công đức thờ Phật, thờ phụng chút xíu.
• Khi đặt tượng thờ luôn luôn phải đặt cao hơn đầu, nhớ như vậy. Như thờ tượng ở đây rất là đúng: ta đứng như vậy là tượng Phật luôn luôn cao hơn đầu ta.
Còn nếu ta đặt tượng Phật thấp mà ta phải nhìn ngang ta thấy tượng Phật, hoặc là ta nhìn xuống ta thấy tượng Phật thì ta sẽ mắc cái quả báo gì?
– Ta sẽ bị mắc quả báo là ta bị thấp bé. Nên có những người ta thấy là họ rất tài giỏi, có duyên trong đạo Phật, cái gì cũng hay, chỉ có cái thấp bé. Lý do? Lý do tại vì một kiếp nào đó vị đó tu hành mà không có chỗ để thờ Phật cho cao, để tạm tượng Phật hơi bị thấp rồi quỳ xuống đó mà lễ bái. Nhưng mỗi khi mình hết quỳ mình đứng lên mình cao hơn tượng Phật – kiếp này bị thấp bé trở lại. Vị này lúc đó do hoàn cảnh chứ không phải là vị đó tâm xấu, mà lúc đó không có chỗ để tượng Phật, nhiều khi tu ở trong hang.
Ví dụ đời đó vị đó xuất gia,vị đó tu ở trong hang núi. Cái hang đó không cao đứng lên là đụng đầu, vị đó thì tinh tấn ẩn tu. Trong hang đó có một cái gờ, vị đó mới lấy tượng Phật nho nhỏ để ngay cái gờ đó lễ bái, thờ phượng. Nhưng mà lúc mình quỳ thì Phật cao hơn mình, nhưng mình đứng lên mình cao hơn Phật. Chỉ vì vậy thôi mà đời sau cũng là một vị thầy tu giỏi giang, tài cao đức trọng nhưng chỉ mắc cái thấp bé.
Cho nên khi ta thờ ta phải thờ tượng cao hơn đầu mình.
• Và bát nhang đặt sao đó để khi mình thắp nhang là cái nhang không có che hình Phật, bát nhang phải thấp hẳn xuống, nhớ như vậy.
• Ta đặt ở vị trí trang trọng, dễ tụng kinh lễ bái, ít có người đi ngang. Mà thờ tại gia không có được mà bàn Phật để ở trên dưới này bày bàn ghế để ăn uống, không được. Có nhiều người thờ Phật ngay phòng khách, nơi phòng khách đó tiếp khách ngồi ngả ngớn bật cái tivi phía dưới Phật ở trên, ngồi cứ chĩa chân về phía tivi, ngồi xem ngả ngớn, rồi để luôn cái bàn ăn nhậu, khách tới rồi bày bàn ăn uống ở đó.
• Ví dụ ta thờ tượng Phật tại gia thì nhớ là không được thờ ông bà mình chung với bàn thờ Phật. Thờ ông bà mình chung với bàn thờ Phật rồi ông bà mình hết đầu thai luôn, mình hại ông bà mình. Nếu mà thờ chung một phòng thì bàn thờ ông bà phải thờ riêng và thờ quay một góc 90 độ (vuông góc) quay về bàn Phật, mà bàn đó phải thấp hơn. Giống như là ông bà mình chầu về Phật, hướng về Phật thì ông bà mình rất là có phúc. Mà tổ tiên có phúc thì con cháu được hưởng cái phúc đó, nhớ như vậy nha.
• Nhớ là không được treo hình tượng Phật tràn lan đủ chỗ, không sử dụng lịch mà có hình Phật.
Tại vì sao?
– Bởi vì hình Phật chỉ để thờ, không được để treo, để trưng, nhớ câu đó.
• Ta tuyệt đối ta từ chối, ta tẩy chay những sản phẩm thương mại mà có lấy hình Phật làm nhãn hiệu:
– Hễ chao mà in hình Phật – tuyệt đối ta không mua chao đó;
– Hễ tương mà in hình Phật – tuyệt đối ta không mua nước tương đó;
– Hễ nhang mà in hình Phật – tuyệt đối ta không mua nhang đó;
Tại vì hình Phật chỉ để thờ thôi, không được phép làm nhãn hiệu cho hàng hóa thương mại. Quý Phật tử đồng ý quan điểm này không ạ?
Có một số hãng của Tây phương họ lạm dụng hình Phật, ví dụ xà bông tắm họ in hình Phật ở trong. Mà xà bông tắm ta để chỗ nào? Ta để trong nhà vệ sinh. Có một lần vậy, chúng tôi ra ngoài Hà Nội hôm đó có duyên sự ra ngoài thì Phật tử cúng dường một hộp xà bông tắm mình không để ý. Tới chừng vào nhà vệ sinh rồi để bình đó nhìn lại thấy hình Phật trong đó hết hồn liền, vội vàng đem ra ngoài và gọi điện thoại nói Phật tử tìm cho tới hãng này cự (từ chối) nó liền, Phật tử cự quá chừng thì họ cũng cự lại, nói là nếu mà ông cự chúng tôi đấu tranh với ông tới cùng, ông còn nhập sản phẩm này về trong nước tôi nữa là tôi sẽ tẩy chay hết, ông kia đưa lên báo luôn:
– Đây là một cách mà các anh không biết là các anh vô tình dùng hình để quảng cáo hay các anh muốn hạ thấp giá trị hình ảnh của Đức Phật, chúng tôi chiến đấu tới cùng, tôi dẹp tẩy chay công ty anh luôn.
Từ đó họ mới không dám nữa. Mà mình phải cứng rắn như vậy, không được phép. Cho nên hình Phật chỉ để thờ, không được trưng bày tầm bậy tầm bạ. Sau này họ còn nhiều hình thức xúc phạm tượng Phật lắm, để một lát từ từ chúng ta nói.
• Giờ có người hỏi, nói:
– Thưa Thầy, bức tranh mà con thờ Phật bây giờ con không thờ nữa, bây giờ nó mục rồi, nó ố nên con thay bằng tượng. Giờ bức hình đó để ở đâu?
Hoặc là có người nói:
Ngày xưa con thờ bức tượng Phật mà nó quá xấu đi, bây giờ con thỉnh được hình rất là đẹp. Mà hình xấu quá con cũng không cho ai được bây giờ con để ở đâu?
Thì nhớ giải pháp như thế này:
– Nếu ta có một cái kho, một cái nhà riêng không ai đụng tới trên cao ta giấu hết những hình đó vào trong đóng cửa lại luôn, không cho ai thấy.
– Còn nếu không thì ta đốt cái hình Phật đó ta đem ra dòng sông đẹp ta rải hoặc lên trên đỉnh núi ta rải tro đó chứ không được bỏ vào thùng rác, không được xả trong nước cống đổ đi.
Hồi xưa thầy Minh Phát ở Ấn Quang thầy cũng rất là bạo, khi thầy đến trùng tu một ngôi chùa, những chùa cổ có những bức tượng xấu ỉnh, thầy cũng đặt làm bức tượng mới, đẹp. Khi bức tượng cũ đem xuống ông lấy búa ông đập hết cả, nhìn ai cũng chưng hửng hết, ai cũng sợ hết hồn. Mà lúc đó ai cũng tin thầy Minh Phát là Bồ Tát, ông muốn làm gì ông làm, mình không dám làm. Nhưng mà thầy cũng rất là bạo tay vì quan niệm của ông là hình Phật phải đẹp, còn hình xấu để là người ta không phát tâm, mang tội. Quan điểm của ông rất là táo bạo, mình thì không dám. Mình tượng Phật không thờ nữa thì cũng phải để một nơi nào đó rất là trang trọng. Và nếu hủy thì cái tro, cái tàn đó cũng được rải một nơi nào đó rất là đàng hoàng.
• Ví dụ chùa mà có tượng Phật lộ thiên thì ta phải bảo đảm chung quanh tượng Phật lộ thiên trang nghiêm không được mua bán xô bồ, không được có những người mà y phục hở hang hoặc là nằm ngồi ngả ngớn quanh tượng Phật lộ thiên. Ta phải bảo vệ khung cảnh thờ Phật nghiêm trang như vậy thì ta mới có công đức, chứ không được thờ Phật lộ thiên rồi chung quanh buôn bán tầm bậy tầm bạ là không được, phải có người nhắc nhở. Hoặc là tượng Phật lộ thiên như tượng Quan Âm đứng đó vậy, có người đứng nhìn tượng Phật hút thuốc là không được, tuyệt đối; lại phải quở liền, nhắc liền.
• Rồi tượng Phật thờ trong Chánh điện cũng vậy, ta nhớ là đừng làm loãng sự tập trung. Bởi vì tượng Phật là chính, khi mình bước vào Chánh điện tượng Phật phải nổi bật lên hơn hết. Chứ có nhiều chùa không biết thờ tượng Phật xong rồi bày quá chừng thứ trong chùa, bước vào mình không thấy tượng Phật đâu hết, tượng Phật bị chìm lỉm trong vô số vật trang trí thì như vậy cũng là sai. Có lần chúng tôi bước vào ngôi chùa, bước qua khỏi cái thềm bước vào không được nữa. Vì sao vậy? Bởi vì thờ Phật từ ở trong sát vách tới thờ dài dài dài 5-6 lớp bàn thờ tới sát cửa luôn, tức là khi mình lễ Phật mình đứng ngoài thềm lễ vào, trong đó không có không gian để tụ họp như thế này.
Chúng tôi có nhắc nhở thầy trụ trì, nói:
– Thầy phải tạo không gian để cho Phật tử lọt hẳn vào trong Chánh điện lễ bái thì mới họ cảm nhận được sự ấm cúng, linh thiêng. Còn đứng ngoài hành lang mà lễ vào thì họ sẽ không thấy được cái hào quang, sự thương yêu, sự từ bi che chở của Phật.
Năm sau quay lại chùa đó thấy ông dẹp bớt bàn Phật thì còn được 1-2 thước, bước vào trong lọt lòng được nhưng còn khoảng mười mấy thước suốt bên trong là bàn thờ không, cũng là một cái không hay. Nên vì vậy, là ta thờ tượng Phật làm sao khi bước vào là tượng Phật nổi bật mà không bị những vật trang trí khác che đậy hoặc là làm loãng đi, mọi người nhìn vào là thấy Phật trước.
Có những câu chuyện có những người phá hoại tượng Phật thì họ đều bị quả báo tương ứng. Có một lần hồi nhỏ chúng tôi nghe kể câu chuyện này, lúc đó là trong miền Nam có người lính chế độ trước kể chúng tôi nghe thế này. Có người lính đi qua đánh bên Campuchia họ gặp tượng Phật bằng vàng, ông cầm bỏ giấu trong ba lô ông chạy về. Về tới nơi việc đầu tiên của ông là ông bẻ bớt cái tay để cân bán lấy tiền dùng đi nhậu, dùng hết rồi bẻ tiếp cái tay nữa. Ông này thì ông xót mà không nói được tại vì ông lính kia dữ:
– Năm sau chú trở lại gặp thì thằng đó không còn 2 cái tay, bị cụt 2 cái tay. Đúng như là nó bẻ 2 cái tay tượng Phật thì bây giờ 2 cái tay nó không còn.
Ông nói ông hết hồn luôn, ông nói linh ứng kỳ lạ. Mà lúc đó sự thật là chúng tôi còn nhỏ thì mình cũng chưa biết Nhân Quả nhưng mà nghe câu chuyện cứ nhớ mãi, là Phật rất linh nên không dám.
• Nên ví dụ như ta đúc tượng Phật ta được cái phước là đời đời nhiều ngàn kiếp sau thân thể ta lành lặn.
• Cũng vậy, người nào phá tượng Phật như thế nào thì cứ 1000 kiếp sau mình bị đúng như vậy. Cứ bẻ một tay mình ngàn kiếp sau không có tay, bẻ đầu Phật thì lúc nào cũng bị làm ma không đầu ngàn kiếp sau luôn.
Cho nên ta thấy có thời gian mà lính Taliban, Afghanistan nó dọng đại bác vào tượng Phật ở Trung Á thì vài tháng sau bị đánh bứt luôn. Và những người nào mà dọng đại bác vào tượng Phật cũng vậy, trong chiến tranh chống khủng bố bị bom đạn dập nát thây luôn không còn tồn tại. Và không phải là nát thây đời này, 1000 kiếp sau sinh ra là bị dập nát thây không bao giờ còn tồn tại được. Nếu mà làm trong hồn ma trong cõi làm ma làm quỷ cũng là một con ma bầm dập, máu me tưa tái, không tay không chân. Nên hễ mà xúc phạm tượng Phật là quả báo như vậy. Còn ta tôn kính tượng Phật ta được cái phước cũng ngược lại như vậy.
Còn ngược lại, ai trang trí, chăm sóc, lễ bái cung kính Thánh tượng thì mình sẽ được thân tướng trang nghiêm là vậy, cho nên có nhiều thầy nhiều cô khi vào chùa thích được làm hương đăng. Tại sao vậy? Làm hương đăng là mình lau quét Chánh điện, lau quét tượng Phật, chăm hoa tượng Phật thì thường là những người làm hương đăng sau đó cái mặt đẹp lên từ từ, nên ai cũng thích làm hương đăng trang trí là vậy.
• Còn ví dụ có người hỏi, nói:
Thưa Thầy, con ở ngôi nhà nhà con nghèo con chưa có nhà riêng, chỗ con không thể thờ Phật được. Bây giờ con muốn lễ Phật thì phải làm sao?
Câu trả lời thế này:
Ví dụ nhà không có điều kiện để thờ Phật để lễ Phật thì mỗi ngày hãy đi bộ đến chùa gần đó mà lễ Phật.
– Thôi được. Ví dụ như có những lúc con không thể đến chùa thì sao?
Những lúc không thể đến chùa thì hãy quỳ xuống nhìn qua cửa sổ nhìn lên trời xa xa và tưởng rằng ở nơi chỗ cao xa kia có Phật đang chứng giám lòng con mà lạy về hư không trên đó Phật vẫn chứng minh như thường. Nhiều khi đến nơi ta không có, ví dụ bây giờ ta đi vào rừng vào núi ngày hôm đó mình phải ở lại mình giữ rẫy cà phê mình không về nhà được. Mà lúc đó mình nhớ thương Phật quá mình quỳ xuống mình lễ bái, mình hướng về giữa trời cao kia mình lễ Phật Phật cũng chứng minh như thường, mà chứng minh còn nhiều hơn người ở nhà có tượng Phật nữa.
Vì sao vậy?
– Vì có tượng Phật mình nhớ Phật đã đành, còn người không thấy tượng Phật mà lòng vẫn thương nhớ Phật tha thiết thì đó là được Phật chứng minh còn nhiều hơn nữa.
Có ai có bây giờ nhớ Phật mà đến khóc không?
– Hiếm lắm, mình phải hiểu Phật rất sâu mình mới thương Phật đến mức độ như vậy. Mình mới thương Phật xả thân vì chúng sinh, lặn lội vào rừng vào núi tu hành vì chúng sinh, 45 năm lặn lội nơi này nơi kia thuyết pháp cho chúng sinh mà bị biết bao nhiêu sự chống đối mà vẫn giữ sự an lành và dũng cảm. Mình hiểu sâu xa rồi mới thương Phật, có khi nhớ Phật mà khóc được…
St.