Phật pháp

Mục đích tu Phật

  • Quan-su-123
  • tha tu

Là người tu Phật, chúng ta phải biết Phật là gì? Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni phải không? Chữ Phật ở đây chỉ cho một con người đã được giác ngộ. Ngoài Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những người giác ngộ như Ngài cũng đều gọi là Phật. Cho nên nói tới tu Phật là nói tới sự giác ngộ.

Lâu nay chúng ta nghi ngờ tại sao ngoài Bắc, từ thế kỷ XIII về trước gọi Phật bằng “Bụt”,  còn ngày nay gọi Ngài bằng Phật. Như vậy ai gọi đúng? Tôi sẽ giải thích về điều này. Ngày xưa, vùng đất Luy Lâu là vùng đất thương mại rất phồn thịnh, thương thuyền người Ấn sang đây buôn bán mang theo các nhà sư truyền đạo. Sư Ấn Độ sang Việt Nam vẫn nói tiếng Ấn. Các Ngài gọi Phật là “Buddha”, Trung Hoa dịch là “Giác giả”. Giác là giác ngộ, giả là người. Chữ “Buddha” là “Người Giác ngộ”. Tổ tiên mình gọi chữ “Bud” là “Bụt”. Như vậy gọi “Bụt” rất gần với phiên âm tiếng Phạn, nhưng tại sao ngày nay chúng ta gọi “Phật”?

Bởi vì vào đời Minh, Trung Hoa có in tạng kinh bằng chữ Hán, người Việt Nam ta thỉnh về để đọc. Chữ “Buddha” dịch âm chữ Hán là “Phật Đà”. Chữ “Bud” đọc là “Phật”, chữ “dha” đọc là “Đà”. Nên “Phật Đà” là người Việt đọc theo âm chữ Hán. Thế nên từ đời Minh, tức khoảng thế kỷ XVII – XVIII về sau mới có danh từ “Phật”, còn thời gian trước chỉ có danh từ “Bụt”. Hiểu như vậy chúng ta mới biết cách gọi Phật của người xưa và người nay khác nhau như thế nào. Tuy khác trên danh xưng nhưng vẫn cùng một ý nghĩa, Phật là chỉ cho bậc Giác ngộ.

Đức Phật là bậc Giác ngộ nên đạo do Ngài truyền cũng là đạo giác ngộ. Vì vậy nói đạo Phật là đạo giác ngộ. Chúng ta xưng mình là Phật tử tức con của bậc Giác ngộ, hoặc ta cũng là người giác ngộ chút chút. Giác ngộ chút chút chứ không phải không chút giác ngộ. Đến với đạo Phật là phải có giác ngộ, chứ không thể mù quáng được. Thế nhưng có Phật tử đến với đạo Phật nhiều năm, vẫn nói chưa giác ngộ gì cả. Thực ra có, nhưng quí vị không biết đó thôi.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, nên người tu theo đạo Phật phải có giác ngộ. Giác ngộ từ gần tới xa, từ thấp lên cao. Giác ngộ gần như thế nào, giác ngộ xa như thế nào? Tôi xin hỏi quý vị học Phật mấy năm nay có biết lý Vô thường, lý Nhân quả, lý Nhân duyên không? Nếu biết tức quý vị đã giác ngộ khá rồi. Đối với cuộc sống vô thường mà tưởng thường là người mê, cuộc sống vô thường ta biết vô thường tức là giác.

Người mê cứ nghĩ gặp ác là bị trời phạt, được vui là trời thưởng. Phật tử không như thế, biết gặp ác là do nhân xấu mình đã tạo từ đời trước, gặp lành là do nhân lành đã tạo từ trước, nên ngày nay cảm quả thiện ác đến với mình, chứ không phải do trời ban. Biết đúng lẽ thật như vậy là giác rồi còn gì. Vậy mà quý vị cứ nói mình không giác, đó là do chưa nắm vững đường hướng Phật dạy.

Phật tử hiểu các pháp hiện có mặt đây do nhân duyên tụ họp thành, không có gì gọi là bỗng nhiên mà được. Tất cả đều do nhân duyên tụ họp mới thành. Do nhân duyên tụ họp thành thì các pháp là thật hay giả? Các pháp là giả. Tôi dẫn một vài điều cho quý vị thấy có tu Phật là có giác, chỉ tại không chăm chú, không để ý tới, nên quý vị tưởng mình vẫn mê như thuở nào.

Phật bảo chúng sanh bất giác nghĩa là không giác ngộ gì hết, Bồ-tát phần giác nghĩa là giác ngộ từng phần, còn Phật là mãn giác nghĩa là giác ngộ tròn đầy. Chúng ta nghiệm xem mình thuộc hạng nào? Nếu giác chút chút tức đã được một phần nhỏ, nếu chưa thành Bồ-tát chính thức thì cũng là Bồ-tát con, phải không?

Bồ-tát là tiếng gọi tắt của âm chữ Phạn “Bồ-đề-tát-đỏa” (Bodhisattva), Hán dịch là giác. Bồ-tát là giác từng phần, Phật là giác viên mãn, tròn đầy, không thiếu. Chúng ta giác chút chút thì cũng là con cháu của Bồ-tát rồi. Phải hiểu tu là giác chứ không có quyền mê. Mê thì chưa biết tu. Quý vị là Phật tử, tức biết tu nên cũng có giác chút chút rồi. Chúng ta đang tiến trên con đường giác ngộ, chứ không phải đứng ở vị trí của người mê hoàn toàn. Dám xưng mình là Phật tử, tức con cháu của Phật nghĩa là chúng ta giác ngộ được chút chút, chứ không mê như thuở xưa.

Nhưng nói cho thật rõ, chúng ta giác ngộ được điều gì? Phật dạy sở dĩ chúng sanh không giác ngộ nên trầm luân trong sanh tử. Mê lầm thì trầm luân sanh tử, chỉ có giác ngộ mới giải thoát sanh tử. Chúng ta mê lầm cái gì, giác ngộ cái gì? Đó là điều tối yếu mà toàn thể Phật tử phải biết.

Người phàm phu luôn luôn thấy thân này là thật, còn người Phật tử biết tu thấy thân này là giả. Nhưng e rằng chỉ thấy giả khi tụng kinh, nghe pháp, còn gặp chuyện thì thật ngay. Đó là do chưa thấm nhuần chân lý trong mạch sống của mỗi người, chỉ thấy giả trên mặt suy luận thôi, chứ chưa nhập tâm.

Khi nhìn thấy thân này thật, tự nhiên chúng ta quý trọng nó. Từ quý trọng nên tìm đủ mọi cách cho nó được thụ hưởng sung túc. Tất cả những gì ngon, những gì đẹp, những gì sung sướng trên thế gian đều muốn chu cấp cho nó. Thụ hưởng như vậy là chúng ta đuổi theo dục lạc của thế gian. Ta thử đặt câu hỏi, nếu người thụ hưởng đầy đủ sung mãn mọi dục lạc trên thế gian, người đó có chết không ? Thụ hưởng cho nhiều rồi cũng phải chết. Thế thì họ giành giật tất cả mọi thứ trên đời, để cuối cùng chỉ còn một thây thối thôi, có ý nghĩa gì đâu? Thân giả dối mà người ta ngỡ là thật, nên mới giành nhau từng miếng ăn, từng cái mặc. Càng giành thì càng khổ, nên khổ gốc từ mê lầm mà ra, rõ ràng như vậy.

Nếu biết thân này giả tạm, không thật, chúng ta sẽ tùy duyên mà sống, tùy duyên mà tu hành, nên bớt giành giật. Bớt giành giật thì bớt tranh đấu, bớt khổ đau. Nhờ thấy đúng về thân, chúng ta giảm bao nhiêu đau khổ. Biết thân hư giả, khi hết duyên sắp ra đi Phật tử có sợ không? Nó giả tạm thì hư hoại là lẽ thường, có gì phải sợ. Người chấp thân thật, thụ hưởng cho nhiều, khi sắp chết thì hoảng sợ, đắm luyến thân vô cùng Trong khi tranh giành để được thụ hưởng đã là khổ, lúc sắp bỏ thân cũng khổ nữa. Hai ba chặng khổ.

Người biết thân này giả thì cuộc sống rất đơn giản, không tranh hơn về phần mình, nhờ vậy bớt khổ. Khi chết biết đã hết duyên, nó phải đi, ta cười thôi, có gì đâu mà sợ. Hiểu như vậy, thấy như vậy thì đứng trước cái chết chúng ta an ổn, tự tại. Như vậy, giác được một chút là đã bớt khổ bao nhiêu rồi.

Người làm việc lành, giúp đỡ mọi người, cuối cùng cũng chết, người không làm gì hết, cứ lo hưởng thụ rồi cũng chết. Cả hai đều đi đến chỗ chết, nhưng một người chết bao nhiêu người quý, còn một kẻ chết bao nhiêu người ghét. Nên người biết tu ngay nơi thân này sử dụng làm lợi ích cho đời, cho đạo. Người không biết tu cứ cưng dưỡng, không dám nhọc thân, nhưng rốt cuộc rồi cũng chết, không hơn được chút nào. Đó là một lẽ thật.

Người rõ biết thân hư dối tạm bợ, đủ duyên thì còn, thiếu duyên nó tan hoại. Thấy như vậy là thấy được lẽ thật. Thấy được lẽ thật là giác rồi. Đó là giác về thân. Còn giác thứ hai là giác về tâm. Quý Phật tử nghĩ cái này phải, cái kia quấy; ai làm theo điều mình nghĩ thì thương, còn làm ngược lại thì ghét. Ai nói gì mình cho là phải thì quý trọng, nói gì mình cho là quấy thì khinh thường. Nhưng thật ra, cái phải quấy ở đời có là chân lý chưa? Chưa là chân lý. Bởi vì cái phải ở đây không là cái phải ở kia, cái phải của người này không là cái phải của người khác. Người ta thấy cái đó chưa phải mà mình cho là phải, họ cãi lại mình liền giận, liền ghét. Đau khổ từ đó phát sinh.

Những suy nghĩ, phân biệt hơn thua phải quấy… thuộc về tâm, nhưng là tâm vọng tưởng, hư dối, không phải tâm chân thật. Vì nếu thật nó phải còn nguyên, chứ không đổi thay luôn như vậy. Chúng ta phải biết để dẹp bỏ, đừng chấp vào những thứ đó, mới thấy được tâm thật của mình. Tâm buồn thương, giận ghét… là dòng sinh diệt không dừng. Đã sinh diệt không dừng mà theo nó là ta chấp nhận đi trong dòng sinh diệt.

Tuy nhiên, bên cạnh tâm hư dối đó có tâm chân thật. Chúng ta phải làm sao phăng cho ra, tìm cho được tâm chân thật ấy. Đó là gốc của sự tu. Như chúng ta ngồi thiền để làm gì? Để bỏ tâm hư dối, cho nó lặng xuống. Tâm hư dối lặng thì tâm chân thật hiện. Đó là giác ngộ được thân này giả dối, tâm suy nghĩ hư dối, thì tâm chân thật hiện bày. Chừng nào tìm và sống được với tâm chân thật trọn vẹn mới gọi là gần giác ngộ viên mãn. Như vậy, chúng ta đang đi trên đường giác ngộ chứ đâu phải thường.

Ở đời, người ta mê chấp thân, mê chấp tâm nên phải luân hồi sanh tử. Vì vậy kinh Viên giác, Bồ-tát Văn Thù hỏi Phật: “Cái gì là nhân sanh tử luân hồi?”. Đức Phật dạy: “Người chấp thân tứ đại giả hợp là thân thật, chấp tâm hư giả sinh diệt là tâm thật, đó là nhân luân hồi sanh tử”. Bây giờ chúng ta biết rõ điều này tức đã có giác rồi. Chúng ta tu là thức tỉnh, nên cố gắng để thoát khỏi mê lầm đó. Đây là lý do vì sao chúng ta chuyên tu thiền. Tu thiền để làm gì? Để dừng, lặng tâm lăng xăng. Tâm lăng xăng lặng xuống thì tâm chân thật hiện đủ. Đó là giác. Giác bằng cách thực hiện ngay nơi mình, chứ không phải tìm kiếm ở đâu khác.

Những buồn đau, giận hờn… xảy đến ta cứ chứa chấp sâu trong kho tàng thức, bây giờ muốn loại trừ phải từ từ. Năm này một ít, năm kia một ít nó mới sạch, chứ không phải một lần sạch liền. Vì vậy ngồi thiền là cốt loại những bóng dáng của quá khứ còn lưu lại trong tâm, khiến nó tan mất đi. Chúng hết rồi thì cái chân thật hiện tiền, hằng tri hằng giác của mình hiện bày. Tri giác ấy là tánh Phật. Chư Phật ra đời mục đích để chỉ dạy cho chúng ta bấy nhiêu đó thôi.

Nhận ra tánh Phật hằng tri hằng giác, không suy nghĩ, không thương ghét, không hơn thua là dứt tạo nghiệp thiện ác. Không tạo nghiệp thiện ác thì đâu có luân hồi sanh tử. Đó là nhân giải thoát. Như vậy tu là giác ngộ, biết mình có cái thật phải nhận lại, cái giả bỏ đi. Bỏ được những thứ hư dối, sống hoàn toàn với tâm chân thật là giác ngộ. Giác ngộ là giải thoát sanh tử.

Chúng ta cứ đúng theo đạo lý Phật dạy mà tu. Tu lâu ngày mọi thứ khổ đau mê lầm sẽ giảm. Khi nào hết mê lầm tức là chúng ta được giác ngộ viên mãn. Như vậy mới xứng đáng là Phật tử tức con của Phật. Tu là để giải thoát sanh tử, chứ không phải cứ đi mãi trong mê lầm. Vì vậy Phật tử gặp Phật pháp, được quý thầy nhắc nhở tu hành là có phước lớn, chứ không phải thường. Nếu không sẽ chìm mãi trong biển khổ sanh tử, đeo đuổi theo những thứ tạm bợ của thế gian, chịu nhiều đau khổ không biết đến bao giờ mới hết!

Vì thế người biết tu thương tất cả mọi người, không thù ghét ai hết, bởi họ cũng mê lầm giống mình, đuổi theo bóng dáng hư ảo rồi gây khổ cho nhau. Nên giác ngộ rồi tự nhiên phát lòng từ bi. Lúc chưa giác ngộ mà khởi lòng từ bi, e đó chưa phải thật là từ bi. Đó là điều chúng ta phải lưu ý, để không bị lầm lẫn trong lúc dụng công tu. Mong tất cả hiểu được mục đích tu hành của mình để đạt được kết quả như sở nguyện.

HT.Thích Thanh Từ

Tu thiền có chứng đắc hay không ?

Hãy xem ngài Câu Chi tu Yên bố giữa chúng: “Ta được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng chẳng hết.” Chỉ một ngón tay thiền mà suốt đời dùng không hết. Là có được hay không ?
I. ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ CHỨNG ĐẮC.


Thường thường với tâm lý người thế gian hễ làm việc gì cũng mong muốn có kết quả, được thành tựu cái gì đó mới chịu, mới hăng hái làm. Trong đạo, người tu thì muốn đắc quả, muốn chứng đạo, cho nên có những danh từ đắc đạo, đạt đạo, chứng đạo, thành đạo v.v… Vậy thật sự có đạo để chứng, để thành hay không? Đây là điểm cần phải nhận định kỹ, không để bị lầm lẫn, bị gạt khiến rơi vào đường tà.

Nếu bảo là không: thì tại sao có CHỨNG ĐẠO CA? Tức khúc ca nói lên sự chứng đạo của Thiền sư Huyền Giác rất nổi tiếng trong nhà thiền.

Hoặc như Hòa thượng Câu Chi lúc ở am có bà ni tên Thật Tế đến am của Sư bèn đi thẳng vào chẳng giở nón, cầm gậy đi quanh giường thiền ba vòng và nói:

– Nói được thì tôi giở nón!

Hỏi ba lần Sư không đáp được. Vị ni từ giã đi. Sư cầm lại:

– Trời đã chiều, cô hãy ở lại nghỉ tạm.

Vị ni nói:

– Nói được thì ở lại.

Sư cũng không nói được. Vị ni liền đi. Sư tự than:

– Ta tuy mang hình tướng trượng phu mà không có khí trượng phu!

Liền phát phẫn, quyết rõ việc này. Sư định bỏ am đi các nơi thưa hỏi. Đêm đó Sơn thần báo mộng:

– Thầy chẳng cần đi đâu khác. Ngày mai có nhục thân Bồ tát đến, sẽ nói pháp cho thầy.

Hôm sau quả nhiên có Hòa thượng Thiên Long đến, Sư lạy thỉnh vào am, kể lại rành rẽ việc hôm qua. Nghe xong, Thiên Long liền đưa ngón tay lên chỉ đó!

Câu Chi bỗng nhiên đại ngộ.

Sau này, khi sắp tịch Sư bảo chúng:

– Ta được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng chẳng hết. Cần hiểu chăng? Sư đưa ngón tay lên rồi tịch.

Hãy xem ngài Câu Chi tu Yên bố giữa chúng: “Ta được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng chẳng hết.” Chỉ một ngón tay thiền mà suốt đời dùng không hết. Là có được hay không ?

Hay như Hòa thượng Tuyết Phong, có vị tăng từ giã Sư đi. Sư hỏi:

– Ông đi đâu?

Tăng thưa:

– Con đi Hồ Nam.

Sư bảo:

– Ta có người bạn đồng hành ở Nham Đầu, gửi ông một lá thư đưa hộ cho. Thơ viết: “Tôi gởi thơ lên sư huynh, từ ngày tôi thành đạo ở Ngao Sơn về sau cho đến nay vẫn còn no chưa đói.”

Một phen thành đạo về sau no mãi chẳng đói, là có được hay không ?

* NẾU NÓI CÓ: Sao có vị tăng hỏi Hòa thượng Tuyết Phong:

– Hòa thượng gặp Tuyết Phong được cái gì liền thôi?

Sư đáp:

– Ta đi tay không về tay không.

Xem Sư, đi tay không, về tay không thì có được cái gì ?

Và chuyện Động Sơn Y Bát. Có vị tăng hỏi Động Sơn:

– “Thường thường xuyên lau chùi” vì sao chẳng được y bát kia? Chưa biết người nào nên được ?

Tăng thưa:

– Chỉ như người chẳng vào cửa, lại được hay không ?

Sư đáp:

– Tuy nhiên như thế, không thể chẳng cho y.

Sư bèn hỏi lại:

– Nói thẳng “xưa nay không một vật” vẫn còn chưa thể gọi là được y bát kia, ông hãy nói người nào nên được? Trong đây nên hạ một chuyển ngữ, hãy nói là chuyển ngữ gì ?

Bấy giờ có vị tăng nói 96 chuyển ngữ đều không khế hợp, đến một chuyển ngữ cuối cùng mới hợp ý Sư.

Có vị tăng rình nghe nhưng không nghe được một chuyển ngữ cuối cùng đó, ông bèn theo hỏi vị tăng ấy. Vị tăng ấy cũng chẳng chịu nói. Suốt ba năm như thế theo hỏi mà chẳng được vị tăng ấy thuật lại câu đó. Một hôm vị tăng ấy bị bệnh, ông tăng này liền bảo:

– Tôi ba năm nay xin được thuật lại lời trước kia mà chẳng được. Thượng tọa từ bi nói, dùng lành chẳng được thì phải dùng dữ.

Ông bèn cầm con dao bén bảo:

– Nếu Thượng tọa chẳng thuật lại cho tôi nghe, tôi giết Thượng tọa ngay!

Vị tăng ấy tỏ vẻ run sợ nói:

– Xà lê! Hãy đợi tôi thuật lại cho!

Bèn nói: – Dù cho đem đến cũng không chỗ để !

Ông tăng này liền lễ tạ.

Hãy nghe kỹ câu nói “Dù cho đem đến cũng không chỗ để ” trong ấy vốn là “xưa nay không một vật thì có chỗ nào bám ?

Vậy cuối cùng là có chứng đắc hay không ? Rồi việc truyền tâm ấn trong nhà thiền là thế nào ?

II. TU CHỨNG TỨC CHẲNG KHÔNG, NHIỄM Ô CHẲNG THỂ ĐƯỢC.

Để rõ việc chứng đắc, chúng ta nghe câu chuyện ngài Hoài Nhượng đến tham vấn Lục Tổ liền sáng tỏ.

Sư đến gặp Lục Tổ, Tổ hỏi:

– Ở đâu đến ?

Sư thưa:

– Từ Tung Sơn đến.

Tổ hỏi:

– Vật gì thế ất đến ?

Sư không đáp được. Trải qua tám năm Sư có tỉnh bèn đến Tổ thưa:

– Con có chỗ lãnh hội

Tổ hỏi:

– Lãnh hội thế nào ?

Sư thưa:

– Nói giống một vật tức chẳng trúng.

Tổ gạn lại:

– Có tu chứng chăng?

Sư thưa:

– Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô chẳng thể được. 


Tổ bảo:

– Chỉ cái “chẳng nhiễm ô” này, là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông đã như thế ta cũng như thế.

Qua chỗ đối đáp của ngài Hoài Nhượng, cho thấy Sư đã thật sự có chỗ sống đàng hoàng, không phải chỉ hiểu trên lý suông. Xem Sư trả lời: “Nói giống một vật tức chẳng trúng” chỗ chân thật đó vốn vượt ngoài mọi sự so sánh hiểu biết của thức tình phân biệt. Có chỗ so sánh tức thành cái bị biết rồi. Song Tổ còn e rằng Sư chỉ hiểu trên lý giải thôi mà chưa có chỗ thực chứng, nên gạn lại: “Có tu chứng chăng?” nếu là người kiến giải suông sẽ đáp ngay: “Không có tu chứng.” Vì nó không giống một vẫt thì tu chứng cái gì? Song với Sư thì trả lời chắc thật: “Tu chứng tức chẳng không, nhễm ô chẳng thể được.” Nghĩa là, tuy trong ấy nói giống một vật cũng không trúng, không thể so sánh hiểu biết được, mà không phải là chỗ nói suống, chỉ có trên ngôn ngữ. Trái lại, trong đó có thể chứng nghiệm rõ ràng, người có công phu chân thật khế hợp thì tự cảm nhận không nghi ngờ. Chỉ có một điều là“nhiễm ô nó chẳng thể được“, xưa nay nó vốn chưa từng bị nhiễm ô, cũng không có cái gì làm nhiễm ô được nó. Nếu làm nhiễm được nó, nó thành cái vô thường rồi! Đã nhiễm ô chẳng thể được thì nói tu chứng mà thực không có cái gì khác để tuđể chứng. Lời đáp rất đầy đủ cả hạnh và giải, vì vậy Lục Tổ vừa nghe qua liền ấn chứng ngay: “Chính cái chẳng nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông đã như thế ta cũng như thế.” Nghĩa là, ông thấy thấu được như thế, là thấu được chỗ sống của chư Phật. Chư Phật thành Phật là do giác ngộ chỗ này và sống viên mãn, trọn vẹn trong đó mà thành thôi. Rời chỗ đó thì Phật hết là Phật, nên nói là chỗ “hộ niệm”, tức giữ gìn không thể sót mất. Ông đã như thế thì ta cũng như thế, tức chỗ thấy của ông khế hợp chỗ thấy của ta, không còn cách biệt, đó là ấn chứng, là truyền tâm ấn. Người đứng bên ngoài nghe nói truyền tâm ấn, liền tưởng tượng có cái gì đặc biệt để trao truyền khiến mình không hiểu nổi, từ đó nảy sinh ra những cách truyền lạ lùng bí mật. Quả là lầm lẫn ý Tổ, trở thành xuyên tạc và dối gạt lẫn nhau. Người học thiền phải chín chắn nhận rõ chỗ này!

* KHI NÓI KHÔNG CHỨNG ĐẮC

Trong nhà thiền khi nói vô sở đắc là có ý chỉ sâu xa trong đó.

+ Thứ nhất, là ngầm chỉ cái sẵn có. Nghĩa là, thể chân thật vốn là tự tánh sẵn có, không do công phu tạo tác bên ngoài mà thành, không do ai truyền trao cho được. Bởi vậy, với ngài Thần Tú: “Luôn luôn siêng lau chùi” là chỗ thấy còn trên hình thức công phu tạo tác bên ngoài, chưa thấu được chỗ “vốn chẳng thể nhiễm ô” nên chưa được vào cửa Tổ. Lục Tổ: “Xưa nay không một vật” thì có gì được mất trong ấy nữa? Liền đó được vào cửa.

Còn kia, Bá Trượng hỏi Mã Tổ:

– Thế nào là chỉ thú Phật pháp?

Mã Tổ đáp:

– Chính là chỗ ông bỏ thân mạng.

Muốn biết chỉ thú hay yếu chỉ Phật pháp, chính là chỗ bỏ thân mạng của ông. Chỗ đó làm sao hiểu? Tức phải bặt hết mọi chỗ nương tựa, không còn gì để bám víu, để suy nghĩ hiểu biết. Trong đó còn ai được? Được cái gì ?

Xưa có vị Tỳ kheo hỏi Thế Tôn:

– Theo chỗ thấy của con thì đối trong pháp của Thế Tôn, vừa có chỗ chứng là chưa phải, vậy Thế Tôn sẽ chỉ dạy cái gì?

Thế Tôn bảo:

– Này Tỳ kheo! Ta sẽ chỉ dạy cái gì? Chính đó là câu hỏi của ông.

Lời Phật thật sâu xa thay! “Ta sẽ chỉ dạy cái gì? Chính đó là câu hỏi của ông”. Ngay câu hỏi đó chính là câu trả lời rồi, còn suy tìm cái gì khác nữa đều chẳng phải. Câu hỏi rất hay, câu đáp rất chính xác, người nhạy bén liền đó tự nhận là xong.

Kinh Kim Cang, Phật bảo Trưởng lão Tu Bồ Đề: “Thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Phật Nhiên Đăng tức chẳng thọ ký cho Ta: ‘Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.’ Do thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì vậy Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, nói lời thế này: ‘Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.’”

Tức lúc đó Phật còn là vị Bồ tát, hiện thân làm đồng tử Thiện Tuệ cúng dường phật Nhiên Đăng năm cành hoa sen xanh, trải tóc lót bùn cho Phật đi qua, được Phật Nhiên Đăng thọ ký trải qua chín mươi mốt kiếp sau sẽ thành Phật ở cõi Ta bà này, hiệu là Thích Mâu Ni.

Người học trên văn nghĩa liền hiểu, do Phật Nhiên Đang thọ ký nên Phật Thích Ca mới được thành. Không ngờ đây là một ý nghĩa sâu xa vượt ngoài văn tự. Nếu thực sự có cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để trao cho được, tại sao Phật Nhiên Đang không trao cho ngay lúc đó đi mà phải thọ ký xa tít chín mươi một kiếp về sau này, lúc đóai trao cho ai mà thành? Rồi thành với một cái hiệu là “Thích Ca Mâu Ni”. Phật ở cái hiệu đó chăng ? Rõ ràng trong đây có ngầm ý chỉ: “Thành đó” là thành cái vốn sẵn có của phật Thích Ca thôi, Phật Nhiên Đăng không có trao cho một cái gì khác. Thọ ký chỉ là một phương tiện để xác chứng niềm tin vững vàng cho người, chớ không phải do thọ ký mới có được. Nếu thực sự có cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để trao cho, thì ngay lúc đó Phật Nhiên Đăng đã trao cho đồng tử Thiện Tuệ rồi, đâu đợi phải thọ ký xa xôi về sau! Người tu Phật không thể lầm trên điểm này!

Thứ hai, nói không chứng đắc là trừ sạch tướng ngã. Bời người tu mà thấy có được Đạo, được ngộ, liền cótự đắc, tự mãn, tự kiêu trở thành thiền bệnh. Đâu biết, vừa thấy có được tức có nhiễm ô rồi! Là rớt bên ngoài cửa Tổ . Do đó, nhà thiền rất cẩn thận điểm này.

Như Hòa thượng Nam Tuyền, một hôm cúng trai Mã Tổ, Sư bèn hỏi trong chúng:

– Cúng trai Mã Tổ mà Mã Tổ có đến chăng?

Không ai trả lời được. Lúc đó Lương Giới còn là Sa di, liền bước ra thưa:

– Đợi có bạn liền đến.

Nam Tuyền bảo:

– Chú nhỏ tuy là hậu sanh rất dễ giũa gọt.

Sư liền thưa:

– Hòa thượng chớ ép kẻ lành thành đứa giặc.

Cúng trai Mã Tổ, hỏi: “Mã Tổ có đến chăng?” là hỏi Mã Tổ nào? Đây là ngầm chỉ pháp thân. Pháp thân thì không hình tướng nên đâu có đến đi. Nhưng nếu một bề trống rỗng không ngơ thì để làm gì? Lương Giới đáp: “Đợi có bạn liền đến.” Nghĩa là, tuy pháp thân vốn vô tướng mà không phải là rỗng suông, không ngơ. Trái lại nếu có bạn, tức đủ duyên, người có công phu khế hợp, thì nó liền hiện, liền tự cảm nhận ngay. Sư đáp rất khéo, nên ngài Nam Tuyền khen: “Tuy là hậu sanh rất dễ giũa gọt.” Nếu là người khác nghe vậy hẳn tự thấy hài lòng, thành mắc kẹt. Lương Giới tự biết mình, không bị lời nói bên ngoài lừa, nên thưa: “Chớ ép kẻ lành thành đứa giặc.” Nếu lầm nhận tiếng khen đó để lộ tướng ngã ra, tức liền thành bệnh, chớ vội vui mừng!

Cũng như trường hợp Thiền sư Nghĩa Huyền lúc còn ở với Hòa thượng Hoàng Bá. Một hôm Sư đang ngồi trước tăng đường, thấy Hoàng Bá đến, Sư liền nhắm mắt lại. Hoàng Bá làm thế sợ, rồi trở về phương trượng. Sư đi theo đến phương trượng lễ tạ. Thủ tọa đứng hầu bên cạnh, Hoàng Bá nói với Thủ tọa:

– Vị tăng này tuy là hậu sanh lại biết có việc này!

Thủ tọa nói:

– Ông Hòa thượng gót chân chẳng chấm đất, lại đi chứng cứ cho kẻ hậu sanh.

Hoàng Bá liền tự vả miệng một cái. Thủ tọa nói:

– Biết là được.

Chỗ đặc biệt trong nhà thiền là thế. Hoàng Bá cảm hứng, thuận tiện bên cạnh có Thủ tọa liền thốt lời khen Nghĩa Huyền. Thủ tọa không khen hùa theo mà nhắc khéo. Hoàng Bá tự thấy đã nói hớ rồi, nên tự vả miệng, không để cho người tự mãn, tự đắc. Đây là những kinh nghiệm cảnh tỉnh cho người, chưa gì đã tự mãn cho mình đã ngộ cao, ngộ sâu, cần nghiệm xét.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Cư Độn:

– Người xưa được cái gì liền thôi đi.

Sư đáp:

– Như giặc vào nhà trống.

Sở dĩ được chỗ thôi dứt, được an ổn thật sự là do đâu? “Như giặc vào nhà trống” vậy là có được cái gì ? Thấy có được cái này, có được cái nọ, chứa đầy một bụng là nguy. Nếu thấy có được là phải có mất, vì đó là chỗ cho giặc vào lấy của, thì hẳn là chưa “thôi đi” được. Phải tâm trống sạch như giặc vào nhà trống, không có gì để lấy thì nó tự bỏ đi. Cũng vậy, tâm bặt mọi niệm được mất, không chứa giữ một chút gì thì tự nó an, khỏi lo trừ dẹp. Trái lại,cứ lo tìm cầu chứa đựng đầy trong đó mà muốn an thì khó an. Ngươi muốn An phải nghiệm sâu, nghiệm kỹ chỗ này!

* KHI NÓI CÓ CHỨNG ĐẮC

Trong nhà thiền có lúc chư Tổ cũng thường nhắc nhở người tu: Phải thật tu, thật ngộ, thật chứng. Như Thiền sư Phật Giám bảo: “Tham phải thật tham, ngộ phải thật ngộ, hãy tham cứu cùng tột suốt đến đáy của giáo lý.” Vậy là thật có chứng chăng ? Bởi đây là ý các ngài muốn nhắc người học, phải có công phu thực hành chân thật, có chỗ sống vững vàng, tránh rơi vào chỗ nói lý suông, thiền trên môi lưỡi. Tức là, chỉ lấy cái hiểu của chư Tổ làm cái hiểu của mình, chỉ lo lý luận mà không được mà không có thực sống. Để gõ tỉnh cho hạng người này nên các ngài bảo phải thực tu, thực chứng đàng hoàng mới có đạo lực thắng được nghiệp phiền não. Không phải nói thế là bảo chúng ta thấy thật có chỗ chứng, chỗ đắc.

Như Vương Thường Thị đến chỗ Lâm Tế, ông đi đến trước tăng đường xem xong, bèn bảo:

– Tăng cả nhà này có xem kinh chăng?

Lâm tế đáp:

– Chẳng xem kinh.

Ông hỏi:

– Có học thiền chăng?

Lâm tế đáp:

– Chẳng học thiền.

Ông hỏi:

– Kinh chẳng xem, thiền cũng chẳng học, cuối cùng làm cái gì?

Lâm tế đáp:

– Thảy dạy họ làm Phật, làm Tổ.

Người mới nghe qua, thấy có cao mạn hay không? Chỉ dạy làm Phật, làm Tổ thôi là sao? Đây là đánh thức tâm niệm lo đeo đuổi theo bên ngoài, bám vào công phu rỗng suông sanh diệt, phải thực sống trở lại sức sống chân thật. Làm Phật, làm Tổ đâu phải là chuyện nói suông mà được? Người không hiểu, lầm chấp theo chữ nghĩa, cho ta là tu cao làm Phật làm Tổ thôi, trở thành kiêu mạn, tự đắc, đó là bệnh. Cho nên chư Tổ thường nhắc: “Mạt vàng tuy quý, rơi vào tròng mắt cũng thành bệnh.” Mắt vốn là torng sáng, không chấp nhận chứa thêm một chút gì nữa. Bụi rơi vào cũng bệnh mà mạt vàng rơi vào cũng bệnh. Kinh Lăng Nghiêm Phật đã ân cần nhắc rõ:“Nếu khởi cái hiểu Thánh tức rơi vào bọn tà. Chẳng khởi tâm Thánh tức là cảnh giới lành.” (Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà. Bất khởi thánh tâm tực thiện cảnh giới.)

Vừa khởi tâm chứng Thánh. Thấy mình là Thánh tức đi lệch ra ngoài rồi, là tạo cơ hội cho bọn ma xen vào, phá hoại huệ mạng của mình. Đó là điều phải luôn luôn nhớ! Do đó, các ngài nói “được” nhưng không cho chúng ta chấp có “được”, nhằm khiến mình quên công phu tạo tác, tự thể nhập tự tánh sẵn có muôn thuở. Bởi vậy, tuy thực chứng thực đắc không nghi ngờ, mà không thể lầm cho là thật có chỗ được, người học phải nhận kỹ!

Hòa thượng Hoáng Bá từng bảo: “Giả sử ông tu hành trải qua ba vô số kiếp, qua các địa vị, cùng người do một niệm chứng được, chỉ là chứng cái SẴN CÓ ” Ngài Hoàng Bá xác định rõ ràng, dù người công phu lâu dài trải qua thời gian cả ba vô số kiếp, cùng người ngay một niệm hiện tiền đây chứng được, cũng chỉ là chứng cái sẵn có nơi mình thôi, kỳ thật không có cái gì thêm bớt sai khác. Bởi bao nhiêu công phu lâu dài kia cũng chỉ là “trở về chỗ sẵn có” này thôi. Nếu khởi một niệm “TA có cái riêng được hơn người” tức liền mê ngay!

III CĂN BẢN ĐÁNH THỨC TRỞ LẠI CÁI ĐANG HIỆN HỮU MÀ BỎ QUÊN

Nói “được”, nói “không có được” cũng là lời nói hai đầu, điểm cốt yếu trong đây là đánh thức cái chân thật đang hiện hữu nơi mình mà người tự bỏ quên. Nhận ra chỗ này liền ró nói “được”, nói “không có được” cũng thừa.

Kinh Lăng Nghiêm có dẫn chuyện Diễn Nhã Đạt Đa quên đầu. Một hôm Diễn Nhã Đạt Đa soi gương, thấy đầu mình torng đó đáng yêu biết mấy, chợt úp gương lại, không thấy bóng đầu mình đâu nữa, bèn phát cuồng chạy kêu: “Tôi mất đầu! Tôi mất đầu!” Câu chuyện chắc chắn có nhiều người nghe quá quen thuộc, có thể không muốn nghe lại. Song người thật sự có cảm nhận được ý nghĩa sâu xa trong ấy không mới là điều quan trọng! Đầu ở trong gương, úp gương lại không thấy, la mật đầu, phải nói sao đây? Đó là người gì? Chúng ta hiện tại có giống như thế chăng? Khi tâm nghĩ ngợi lăng xăng nói có tôi. Nghĩ ngợi lăng xăng lặng yên, liền bảo “mất tôi” rồi suy tìm! Thật quá lầm to! Có khác nào Diễn Nhã Đạt Đa ôm đầu chạy la mất đầu ? Vậy ngay khi Diễn Nhã Đạt Đa chạy la mất đầu đó, làm sao cho y tỉnh lại? Chỉ cần “cú” mạnh vào đầu y bảo: “Đây là gì ?” liền tự biết đầu vẫn còn nguyên có mất đi đâu! Như vậy, chính khi y chạy la mất đầu đó, cái đầu có mất chăng? Khi bị cú đầu tỉnh lại, có được chăng? Rõ ràng được mất chỉ là lời thừa.

Thanh Nhuệ, một hôm đến thưa với Hòa thượng Tào Sơn:

– Thanh Nhuệ nghèo thiếu xin thầy cứu giúp!

Tào Sơn bảo:

– Xà Lê Nhuệ! Hãy đến gần đây!

Thanh Nhuệ đến gần, Sư bảo:

– Ba chén rượu nhà họ Bạch ở Thanh Nguyên đã uống xong, còn nói chưa dính môi.

Thanh Nhuệ bảo nghèo thiếu, nhưng gọi đến gần, BIẾT đi đến gần thì có thiếu cái gì, lại than nghèo? Vì vậy Tào Sơn bảo: “Đã uống xong ba chén rượu, còn nói chưa dính môi” thật mâu thuẫn! Việc ấy quá rõ ràng như vậy, tại sao lại chối bỏ chẳng nhận? Nhận ra thì tự đầy đủ khỏi nói được mất.

Nếu người còn chưa rõ thì hãy nghe Hy Thiên đến gặp Thiền Sư Hành Tư ở núi Thanh Nguyên. Hành Tư hỏi:

– Ông từ phương nào đến ?

Hy Thiên thưa:

– Dạ, con từ Tào Khê đến ?

Hành Tư hỏi:

– Đem được cái gì đến ?

Hy Thiên thưa:

– Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.

Hành Tư bảo:

– Mặc tình dùng đi, đến Tào Khê làm gì?

Hy Thiên thưa:

– Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất.

Quả thật, việc ấy vốn sẵn có, không đợi đến Tào Khê đợi chư Tổ chỉ bày mới có. Tuy nhiên nếu không đến Tào Khê, không nhờ chư Tổ chỉ bày, các thiện tri thức khơi dậy cho thì cũng không biết. Điều quan trọng là nếu trong đây thấy thật được, thật mất đều mê.

Như vậy, việc này không thể một bề nói cố định là có được, cũng không thể một bề nói cố định là không được, cốt yếu là người “NHẬN RÕ việc này” là xong, khỏi kẹt có không hai đầu.

IV. BẶT NIỆM PHÀM THÁNH, SẠCH KIẾN GIẢI.

Đến chỗ tột lý thiền là dứt bặt hết ý niệm phàm thánh, sạch mọi kiến giải có khôgn đối đãi, trả lại tâm bình thường như thuở ban đầu chưa sanh, chưa có chút gì vay mượn. Đến đây mà còn một niệm phàm thánh đọng lại trong ấy tức còn bị quét.

Hãy nghe Hòa thượng Nam Tuyền sắp tịch, vị Đệ nhất tòa hỏi:

– Sau khi Hòa thượng trăm tuổi, sẽ đi về đâu?

Sư bảo:

– Làm con trâu dưới núi.

Đệ nhất tòa thưa:

– Con theo được chăng?

Sư đáp:

– Nếu ông muốn theo ta, phải ngậm theo một bó cỏ.

Ngươi mới nghe, có thấy lạ chăng? Tại sao tu hành như Sư mà sau khi chết lại làm con trâu? Thật là khó hiểu! Song chính chỗ không hiểu nổi của người, lại là chỗ sống của các ngài. Bởi Sư trong lòng thật rỗng rang sạch hết niệm phàm thánh mới nói được như thế. Đâu phải nói làm con trâu liền thành con trâu. Người theo ngôn gnữ sanh hiểu là lầm. Trong đây, người muốn thấy được chỗ đi của Sư lòng phải rỗng sạch mọi niệm sở đắc mới cảm thông được. Vì vậy vị Đệ nhất tòa hỏi: “Con theo được chăng?” thì Sư bảo ngay: “Nếu muốn theo phải ngậm theo bó cỏ”. Tức là, cũng phải sạch mọi kiến giải phàm thánh, có không, được mất trong lòng. Nói trắng ra, trong tâm không còn dấu vết để thấy.

Trong kinh Duy Ma Cật, Tôn giả Xá Lợi phất hỏi thiên nữ:

– Còn bao lâu nữa thì cô sẽ đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Thiên nữ đáp:

– Nếu như ngài Xá Lợi Phất trở lại làm phàm phu, chừng đó tôi mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tôn giả nói:

– Tôi làm phàm phu, không có lẽ đó.

Thiên nữ nói:

– Tôi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không có lẽ đó. Tại sao? Vì Bồ đề không có chỗ trụ cho nên không có chỗ được ấy.

Tôn giả hỏi:

– Hiện nay chư Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật đã được, chư Phật sẽ được nhiều như số cát sông Hằng, những việc như vậy sẽ nói thế nào ?

Thiên nữ đáp:

– Thảy đều do văn tự thế tục ghi chép nên nói có ba đời, chớ chẳng phải Bồ đề có đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Chú ý! Nói có Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lại đựơc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là do văn tự thế tục mà nói, không phải lý cứu cánh. Bởi Bồ đề mà có đã được, đang được và sẽ được tức thuộc về vô thường theo thời gian, không phải chân thật Bồ đề. Nói sẽ được, tức hiện giờ chưa có, sau này mới có hay sao? Cho nên người vừa thấy có được Bồ đề, liền mất Bồ đề. Đây là khiến người quên bặt niệm được mất, sạch hết kiến giải về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tự sống trong đó rồi, còn được gì nữa? Vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ở ngay tâm người, không có ở đâu khác mà được. Người chưa quên cái hiểu về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức còn cách biệt với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không thể chối cãi.

Với ý nghĩa trên, khi Linh Huấn từ giã Hòa thượng Quy Tông đi, Quy Tông bảo:

– Ông đi đâu?

Linh Huấn thưa:

– Đi về Lãnh Trung.

Quy Tôn bảo:

– Ông ở đây nhiều năm, sửa soạn hành lý xong hãy đến đây, ta sẽ nói cho một câu Phật pháp cao tột.

Linh Huấn thu xếp hành lý xong, liền đến trước Quy Tông. Quy Tông bảo:

– Hãy đến gần đây!

Linh Huấn đến gần. Quy Tông bảo:

– Trời lạnh, đi đường hãy bảo trọng!

Sư nghe lời này liền quên hết chỗ hiểu trước.

Ai thấy Phật pháp cao tột ở chỗ nào? Bởi Linh Huấn ở đây nhiều năm, tức đã có nhiều kiến giải rồi. Hòa thượng Quy Tông khéo léo khêu gợi lòng mong mỏi của Linh Huấn. Nghe nói Phật pháp cao tột, Sư hẳn tưởng sẽ nghe được một câu gì đó thật tuyệt điệu. Không ngờ đến lúc ấy, chỉ nghe một câu bình thường giản dị, dường như không có gì là Phật pháp cả, chỉ là lời chúc lên đường thôi! Bao nhiêu mong đợi liền cắt đứt. Ngay đó Sư quên hết mọi chỗ hiểu từ trước, trả lại một tâm nguyên vẹn thuở nào, chưa từng xen ý niệm gì khác. Chỗ sống của Thiền là đấy! Còn đòi hỏi cái gì thêm nữa? Ai ai cũng đều có một chỗ sống chân thật nguyên vẹn ấy, sao lại không nhận, lại cứ lo đuổi tìm Hiểu Biết này nọ lăng xăng để Tạo Thành cái tri kiến ngã mạn, kiêu căng, rồi tự hào trên đó lấy làm của mình? Nên nhớ, đối trong lý tột của Phật pháp, vừa thấy có TA HIỂU, TA BIẾT, là ngay đó rơi vào đường tà rồi. Không tỉnh ngộ, lại còn bảo vệ nó nữa, là cách xa Phật pháp dù nói hay cách mấy! Người có đạo tâm chân thật không thể mê mờ điều này!

V.TÓM KẾT

Tu thiền là sống lại ngay chính mình từ thuở nào, không có thêm cái gì khác nữa. Dù nói chứng, nói đắc cũng là danh từ thôi, không thể ở trên những cái tên đó mà sanh tâm chứng đắc là Mê. Bởi ai ai cũng đều đang sống trong cái Ngã Tướng, nên luôn luôn thấy có một cái TA đi theo bên mình, do đó thường thấy có được, có mất. Cái gì được mất? TA được, TA mất chứ gì? Nếu thật sự quên cái TA đi, dứt sạch ý niệm sai lầm đóng khung trong cái ta tưởng tượng ấy, đã không có ta thì lấy gì được mất? Ngay đó liền tự giải thoát, tự tại đi trong thế gian không thể nghĩ bàn.

Kìa Động Sơn hỏi Hịa thượng Long Sơn:

– Hòa thượng được đạo lý gì bèn về ở núi này?

Hòa thượng Long Sơn đáp:

– Ta thấy hai con trâu đất húc nhau nhào xuống biển, thẳng đến nay bặt hết tin tức.

Vậy là Hịa thượng Long Sơn đã được cái gì? Động Sơn hỏi được gì, là muốn nghiệm xét chỗ chứng, chỗ sống của Sư thế nào. Gặp Sư thì chỗ thấy dứt bặt dấu vết, tin tức cho người thấy được. Hai con trâu húc nhau nhào xuống biển mất hết tin tức, là bặt dấu vết chủ khách, chỗ nào có thể dòm lén ? Chính đó mới là chỗ sống thực của thiền sư. Còn người cứ lo phô bày kiến giải của mình, khiến người vừa nghe đã thấy tin tức rồi, đó là dấu vết tướng Ngã lộ bày, phải khéo soi trở lại !

Chuyện Nam Tuyền thăm Trang sở là một ý nghĩa sâu sắc để cảnh tỉnh chỗ này. Một hôm Sư đến thăm Trang sở, Trang chủ chuẩn bị nghinh đón đàng hoàng. Sư hỏi:

– Lão tăng bình thường ra vào chẳng cho người biết, tại sao hôm nay có việc bày biện thế này?

Trang chủ thưa:

– Hơm qua thổ địa mách sáng nay có Hòa thượng đến.

Sư nói:

– Vương lão sư tu hành vô lực, bị quỷ thần trộm thấy.

Thị giả hỏi:

– Hòa thượng là thiện tri thức, vì sao bị quỷ thần trộm thấy?

Sư bảo:

– Trước thổ địa để một phần cơm.

Như vậy Nam Tuyền tu hành còn dở phải chăng? Người nhiều kiến giải sẽ cho là như thế, vì còn bị quỷ thần trộm thấy. Không ngờ chính mình còn mê! Bởi nghe Nam Tuyền bảo: “Vương lão sư tu hành vơôlực, bị quỷ thần trộm thấy.” bèn sanh hiểu, nghĩ là Sư tu còn dỡ, vậy mình hay hơn chớ gì ? Đâu biết, Nam Tuyền nói như thế, là ý ngầm nhắc người tu thiền chớ có thấy theo chỗ thổ địa thấy đó, mà phải thấy đến chỗ thổ địa không thể thấykia kìa! Thấy được chỗ này mới thật thấy được ta! Bởi vì thổ địa thấy đó, là có thật thấy Nam tuyền chăng? Đó chỉ là cái thấy bóng của Sư thôi. Nếu người đến với Sư mà cứ thấy theo thổ điạ là thấy trộm, là dòm lén, tức thấy tà, chớ không phải thật thấy được Sư. Yù Nam Tuyền là như thế! Chớ vội đem tâm phân biệt của phàm phu mà phê bình hay dở, là phô bày chỗ mê của mình!

Vậy cuối cùng tu thiền có chứng đắc hay không ? Đây xin dẫn vị tăng với tôn giả Nghiêm Dương để mọi người tự rõ.

Tăng hỏi Tôn giả Nghiêm Dương:

– Phật là gì?

Sư đáp:

– Cục đất.

Hỏi: – Phật là gì?

Đáp: – Đất lăn.

Hỏi: Tăng là gì?

Đáp: Ăn cháo, ăn cơm.

Mặc cho mọi người có bao nhiêu kiến giải hiểu biết hãy đem ra hiểu xem! Cuối cùng, câu trả lời ở đâu? Đây là phần để dành lại cho mọi người!

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 – DL. 2003