Công đức xây chùa

Ngày 13/03/Ất Mùi (01/04/2015) Thượng tọa Thích Chân Quang quang lâm đạo tràng giảng pháp tại chùa Tương Mai (số 231 phố Trương Định, Hoàng Mai,). Tham dự buổi giảng pháp có đông đảo Chư tôn đức tăng, ni và phật tử thập phương gần xa. “Công đức xây chùa” là đề tài thầy chia sẻ trong buổi thuyết giảng.

“Xây chùa, tô tượng, đúc chuông,
Ba công đức ấy thập phương nên làm”
Ngày nay, trong một nền văn minh chúng ta thấy có rất nhiều công trình kiến trúc được mọc lên rất cao và đồ sộ. Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc của Phật giáo cũng có, những ngôi chùa thờ Phật cũng nhiều. Có bao giờ chúng ta thử nghĩ: Ngôi chùa mà chúng ta tới đã mang lại nhiều lợi ích và phước báu cho chúng ta chưa?

Ở mỗi một quốc gia, một xã hội khác nhau thì cũng có những nhu cầu và nhận thức khác nhau. Đáp ứng tâm linh nhu cầu của thời đại, buộc các ngôi chùa phải phát triển to hơn, rộng hơn và đồng nghĩa với việc công đức xây chùa cũng phải lớn hơn. Chúng ta cũng cần phải biết và hiểu rằng: Dù một ngôi chùa có hào nhoáng cũng trở nên vô nghĩa khi trong chùa không có một linh hồn, nghĩa là không có một bậc chân tu ở trong đó. Có người nói đến chùa chỉ để vãn cảnh, tức là ngôi chùa đó không có bậc chân tu và đến chỉ để nhìn cái vỏ ngôi chùa.

“Ăn cũng hết, mặc cũng mòn
Vào chùa công đức, của còn mai sau”

Việc công đức xây chùa là một điều phước lành, nhưng trước khi công đức chúng ta phải nghĩ ngay rằng: Trong ngôi chùa đó đã có bậc chân tu chưa? Nếu không, một công trình có hay có đẹp tới bao nhiêu thì vẫn thiếu đi một giá trị tinh thần, hằng ngày không người qua lại, không ai tọa thiền, không ai tụng kinh và những gì mà chúng ta nhìn thấy khi tới chùa đó chỉ là một cái vỏ, một cơ sở,…Mà trong ngôi chùa đó lại có những mê tín thì nghĩa là phá đạo, phản bội lại những người đã góp công xây dựng lên. Cái cốt yếu vẫn nằm ở con người, thiếu con người là thiếu đi tất cả.

Trong đạo Phật, cái quan trọng không phải là quyền lực mà là giác ngộ. Khi trong chùa có một bậc chân tu thì ngôi chùa đó trở nên có sự sống, sẽ có nhiều người tìm đến ngôi chùa đó để học hỏi đạo lý và từ đó đạo lý mới lan tỏa vào trong cuộc sống, làm cho cuộc đời được an vui, được hạnh phúc. Lời Phật dạy đã đến được với tâm hồn mọi người từ chính ngôi chùa đầy sức sống đó.

Trong buổi pháp thoại, thầy còn đưa ra những cấp bậc để chúng ta có thể biết ngôi chùa đó có bậc chân tu:

Khi ta bước vào chùa, ta thấy ngôi chùa ngăn nắp, thấy một tu sĩ nói năng điềm đạm, đi đứng đàng hoàng, không đùa cợt, nhả nhớt,..  Tức là khi tới chùa ta chưa vội tiếp xúc, không nói chuyện mà nhìn bằng mắt. Lúc đấy, ta sẽ thấy có một niềm tin. Bởi vì, ngôi chùa đó có một vị tu sĩ đàng hoàng. Cái đánh giá bằng mắt đó, nó cũng chỉ đúng một phần thôi.  Tuy nhiên, mỗi người chúng ta sẽ có trực giác và cái đánh giá đó nó sẽ không đúng mãi mãi.

Cấp bậc tiếp xúc tròn trịa, là sao?  Khi ta tiếp xúc, trò chuyện với một vị tu sĩ và ta cảm nhận thấy tu sĩ đó rất hiểu đạo lý, hiểu nhân quả, hiểu được tứ diệu đế, ngũ uẩn,…nghĩa là khi xuất gia vị tu sĩ có sở học căn bản, giữ gìn được giới hạnh. Tuy nhiên, lại không thuyết pháp giỏi nhưng có thể dạy ta và có thể làm thầy của ta rồi, không cao siêu nhưng lại cho ta tấm gương, cho ta nhớ. Bởi vì, đó là một vị chân tu, khi nói chuyện đã cho ta sức mạnh và sức mạnh đó chỉ bằng một câu nói ngắn thôi, nhưng lại toát lên một bề dày của cuộc sống, sưởi ấm tâm hồn ta và  ngôi chùa đó là một ngôi chùa có sức sống.

Tiếp theo một cấp độ nữa, là gặp một thầy tu giỏi thật. Một người hiểu giáo lý cực kì sâu sắc, có biệt tài về giáo hóa. Chắc hẳn, đó là một người thực hành thiền định nên hiểu rõ về tâm linh sâu thẳm và hiểu rõ giáo lý. Khi gặp được một người như thế, ngôi chùa đó sẽ bừng bừng sức sống, sẽ có nhiều phật tử thập phương tìm về chùa, đặc biệt thắp lên cho ta một niềm tin sống, cho ta hướng  đi về sự giác ngộ, cuộc đời ta  thay đổi bắt đầu bằng việc đi lễ Phật, tọa thiền, tụng kinh,… Vì người đó đã cho ta nhiều sức mạnh, mở ra những điều cao vời, một chân trời đầy yêu thương và an lạc.

May mắn nhất là khi ta gặp được những vị thánh tăng chứng quả. Ngôi chùa mà có vị đạt được thánh tăng thì ngôi chùa đó rất linh thiêng, luôn có chư thiên, hộ pháp bảo vệ thánh tăng đó và đó cũng là cái phước lớn của ta.

Một ngôi chùa được xây lên, mà lại được đông người đến tu tập thì đó là một phước lớn. Đó mới là công đức lớn nhất. Một ngôi chùa trọn vẹn là khi trong đó có những bậc tu sĩ chân tu đạo hạnh, giáo hóa và có những cư sĩ tìm tới tu tập. Chứ không phải xây một chùa lên chỉ để người tới vãn cảnh, nhiều người tới đó nhưng lại không tu tập, có những việc làm đi trái ngược lại với chánh pháp, rồi cầu cho mình những điều thuộc về tham lam, như vậy tâm hồn càng hư, càng vấp phải những bản ngã của cuộc đời. Chính vì thế, người góp công xây chùa có được phúc hay gặp điều xui là một điều cần lưu ý.

Nguồn tin: Diệu Minh
Bài viết khác