Thư gửi lại cho gia đình, bà con và bạn bè thân thích nhân chuyến đi xa của Tuệ Đạt – Đào Quang Tiến

Tgửi lại cho gia đình, bà con và bạn bè thân thích nhân chuyến đi xa của Tuệ Đạt – Đào Quang Tiến, nguyên giảng viên Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, sinh năm 1935 hưởng thọ………..

Mở đầu: Mười phút nhạc vui hợp tấu bằng kèn xung trận trước khi bắt đầu buổi lễ.

Lời đầu tiên, xin hết lòng cám ơn vợ con, anh em  xa gần, bạn bè thân thiết đã có mặt ở tang lễ này. Xin hết lòng cám ơn vợ tôi – Bà Nguyễn Thị Dư là người thông minh đức hạnh, yêu chồng thương con vô bờ bến.

Và sau đây xin được tâm sự đôi điều.

Tôi là Phật tử. Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni dạy rằng không có cái chết. Sống chết là sự đánh lừa là giả danh. Cái chết chỉ là sự thay đổi hình thái tồn tại mà thôi. Cuộc sống của chúng ta giống như mây trên trời, lúc thì ở dạng khí, lúc khác lại ở dạng nước. Nhưng do mình phạm sai lầm từ bé là đã đồng hóa mình với thân xác nên mới sợ chết và sinh ra hoang mang luyến tiếc cuộc đời. Sự thật là tôi không chết. Tôi không hề bị giun dế, côn trùng đẽo gọt đục khoét hay lửa nóng ngàn độ thiêu cháy vì tôi là linh hồn bất tử.

Nói là nói vậy nhưng cái chết vẫn là sự kiện trọng đại nên hầu hết  mọi người đều sợ hãi buồn đau. Nhưng đối với tôi thì rất bình thường thậm chí là vui vì mình đã chuẩn bị cho nó từ rất lâu bằng chính cuộc sống của mình: luôn luôn làm việc thiện, luôn luôn đồng hóa mình với người, coi mình là bản sao của người khác, và làm tròn bổn phận với gia đình, làm tròn trách nhiệm công dân. Và luôn nhớ lời dạy của Đức Dalai Lama “Nếu ta muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có cái chết an lành, thì ta phải đào luyện sự an lành trong tâm và trong lối sống của ta.” Hãy nhớ lời dạy của Tử thư Tây Tạng: “Chết như tấm gương trong đó phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời.”

Rồi đến lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng cái chết chỉ là sự thay đổi bộ đồ trên người và thay đổi hộ khẩu tạm vắng về hình thể. Chẳng có gì là cái chết. Chẳng cái gì có thể chết được. Mặt trời lặn ở nơi này là để mọc ở nơi khác. Cũng theo cách ấy cái chết không phải là mất hẳn cuộc đời. Bởi vì nó vừa là kết thúc cái thân giả tạm này vừa là mở đầu cho một cuộc đời khác. Nên sự sinh ra đời là mở đầu cho quá trình chết. Vì vậy người Tây Tạng nói: “Tất cả mọi người đều chết nhưng không ai chết cả”.

Thật thế, thân xác này chỉ là chỗ trú của con người mà ta cứ tưởng là mình nên ra sức chăm chút làm đẹp cho nó. Nhưng không biết rằng chính nó đã gây ra bao nhiêu điều chẳng vừa lòng và những đau khổ lớn lao khác do cưng chiều cái thân giả tạm này.

Trong thời buổi chiến tranh ác liệt đầy rủi ro bất trắc nhưng vợ chồng tôi đã nuôi dậy được 3 người con thành đạt trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn: Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tiện nghi hầu như không có. Thậm chí con ốm không có tiền mua thuốc. Bà Dư – vợ tôi – nhớ lại chuyện xúc động là con trai sốt mọc răng phải dùng tới 3 viên kháng sinh (1,6 đồng x 3) mà không có tiền để mua (vì lương phiên dịch của bà hồi đó có 42 đồng mà tôi lại đi công tác xa).

–  Con trai đầu của chúng tôi là Đào Huy Quang, sinh năm 1965 là học sinh xuất sắc toàn diện về văn hóa và chuyên môn. Cháu là đại diện duy nhất cho mấy chục vạn thiếu nhi Hà Nội đi dự trại hè Quốc tế ở Tiệp Khắc mùa hè năm 1979 khi 14 tuổi. Năm 1989 cháu là sinh viên Việt Nam duy nhất đi dự thi âm nhạc Quốc Tế ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Do kết quả thi tốt nên cháu được cử đi Pháp tham dự một cuộc thi lớn hơn vào cuối năm đó. Nhưng do cái cơ chế xa lạ với nền văn minh và những kẻ xấu bụng nên cháu không được đi Pháp mà ở lại Đức 10 năm sau  mới về nước.

– Con trai thứ hai của chúng tôi, Đào Nhật Quang Sinh, năm 1969 là học sinh năng khiếu xuất sắc nhất trường nên năm 1982 –  13 tuổi cháu được cử đi Liên Xô học trường Trung cấp âm nhạc trực thuộc nhạc viện Traicopxki. Sau 5 năm tốt nghiệp Trung cấp cháu đã thi đỗ vào Đại học và đã tốt nghiệp xuất sắc sau 5 năm học. Và 3 năm sau đó cháu lại tốt nghiệp xuất sắc  nghiên cứu Sinh ở nhạc viện Glinka. Do có nhiều công lao đóng góp cho nền nhạc Việt, cháu được Liên hiệp quốc tặng cúp danh dự.

– Con gái út: Đào Thị Thanh Giang là học sinh khoa lý luận âm nhạc đồng thời học thêm lớp đạo diễn âm thanh ngoài giờ với kết quả kỳ thi tốt nghiệp  xuất sắc về âm nhạc, loại giỏi về đạo diễn âm thanh.

Nghĩ đến thành quả đặc biệt như trên không thể không nhớ đến và biết ơn Thần tổ Đại Vương Đào Quang Nhiêu – vốn là người họ Nguyễn – mà các thần tổ ở đời trước như Đại nguyên soái Chiêu Liệt Đại Vương, Thượng Trụ Quốc Thượng Khanh, Chiêu Anh Đại Vương, Hữu Duệ Đại Vương, Thái Bảo Dũng Quận Công, Thái Bảo Diễn Quận Công là những người dầy công tu đức nên nhiều vương tướng trong triều công danh bao trùm khắp chốn. Nếu kể chức tước như Công Hầu Phò Mã, Bá Tử Nam thì có hơn 50  người, nếu kể hoàng hậu, cung phi và những người trong phủ Vương, Chúa thì có tới 36 người, một gia đình như vậy có thể nói là kỳ sự nghiệp đại công đức (trích di huấn của Đại vương).

Ơn nhờ công đức của các thế hệ Thần Tổ, và nhờ sự nỗ lực tự thân, có 5 trong 7 cháu nội ngoại của chúng tôi, đã được vào trường quốc tế – học tiếng Anh và đàn Piano từ tuổi mẫu giáo- trong đó có cháu nội Đào Quang Khôi lớp 7 là đại diện duy nhất học sinh giỏi trường chuyên của Sài Gòn đi Singapore giao lưu học sinh giỏi quốc tế; Cháu nội Đào Diệp My 10 tuổi, chưa được học vẽ ngày nào nhưng vẽ rất đẹp và đặc biệt là nặn tượng thì xuất sắc như người đã từng được đào tạo chính quy về điêu khắc khiến người xem đầy ngạc nhiên và thán phục.

Công đầu trong việc nuôi dạy các cháu nên người, không thể không nhớ đến và biết ơn vợ tôi – Bà Nguyễn Thị Dư – giỏi việc nước đảm việc nhà hết lòng yêu chồng thương con như đã nói ở trên. Và chính nhờ bà trong những năm sống ở trần thế tôi đã hết lòng vì công việc, vì người thân, vì tất cả những người khác, dù thân hay sơ, dù quen hay lạ, thậm chí mới gặp một lần trong ngõ chợ bến xe, tất cả tôi đều coi như người nhà và sẵn sàng chia sẻ cúng dàng cho bất cứ ai có hoàn cảnh túng bấn với cái tâm trong sáng vô tư không mong cầu báo đáp. Vì tâm tôi lúc nào cũng nhớ lời Phật dạy: “cho  thì được tất, vơ vào là mất hết”. Trong khi hàng tỷ người trên Trái đất này còn sống lay lắt đói khổ thì không lý do gì người con Phật lại nghĩ đến hưởng thụ. Vả lại, tất cả mọi thứ của cải vật chất đều phải bỏ lại sau khi chết, chỉ có thể mang theo nghiệp thiện, nghiệp ác mình đã gieo nên phải luôn làm nhiều việc tốt, có ích cho đời. Tôi làm âm thầm, thường xuyên như vậy mà trời đất quỷ thần biết cả. Bạn hỏi vì sao tôi nói thế ư? Số là cách đây gần 16 năm (cụ thể là 30/10/2000) tôi được đi thăm hai nơi thờ Phật tối linh tại Viên Chăn (Lào) do vợ tôi dẫn đi. Một là chùa Phạ Bạt ngoài tranh tượng, phù điêu ở Chánh điện còn  thờ bàn chân khổng lồ của Phật ở trước cửa chùa (dài 1.6 m, rộng 65 cm) và tháp Inhhăng bằng đá nguyên khối  cao lớn. Bốn mặt chạm khắc cầu kỳ rất đẹp. Đến mỗi nơi tôi đều xin thẻ. Rất lạ là cả hai quẻ thẻ đều tiên đoán gần như trùng khớp về tôi. Xin trích nguyên văn quẻ thẻ thứ nhất:

– “Người này là hoàng tử từ Trời rơi xuống, quý như voi trắng (con vật quý nhất trong các con vật – theo người Lào), được nhân dân tôn trọng. Là người có năng lực đi nhiều, biết nhiều, được nhân dân tôn quý bản thân đã góp phần vào công cuộc chung, thích bố thí –  ai xin cũng cho – nên gặp người chỉ đường tốt, về cuối đời hạnh phúc tràn trề” (Đấy là chưa kể một chi tiết thú vị mà Ngài phán về gia cảnh của tôi qua cải cách ruộng đất, bị đối xử tàn tệ vì nhà tôi bị quy là thành phần bóc lột).

Quẻ thứ hai:

“Người này sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý nhưng bị phá sản kiệt quệ, nhà cửa ruộng vườn bị chiếm đoạt, đời sống khốn khổ. Là người ở vị trí cao luôn có tâm làm phúc ban phát cho mọi người nên gặp nhiều may mắn và được thần linh hỗ trợ.

Vì thế, tôi có rất nhiều bạn tốt, đặc biệt là có thầy tâm linh luôn ở trong mình chỉ đạo mình tránh ác làm lành giữ thân tâm thanh tịnh. Do vậy tôi gặt hái được khá nhiều may mắn. Nhưng may mắn cỡ nào thì giờ chết không thể trì hoãn. May mắn cỡ nào còn phải chờ sau khi tôi rời xa cõi tạm này những lời dặn lại của tôi liệu có được người nhà thực hiện triệt để không. Những lời dặn ấy như sau:

Khi tim tôi ngừng đập đề nghị để nguyên dạng thân thể. Nghĩa là tuyệt đối không xê dịch, di chuyển trong vòng 8 giờ đồng hồ. Thời gian này tốt nhất là tổ chức trợ niệm bằng lời của thân nhân và trợ niệm bằng máy suốt 49 ngày sau đó để thần thức của tôi được Chư Phật, Chư Bồ Tát  hướng đến cõi lành siêu sinh tịnh độ.

Về việc trợ niệm tôi đã được trải nghiệm và cảm thấy quá vi diệu mà khoa học không thể nào giải thích được. Xin kể lại như vầy:

Con rể tôi mất ở tuổi 49. Cháu ra đi lúc 22h10 phút vì bệnh ung thư gan. Như bạn biết đấy chết vì bệnh ung thư gan thì mặt phù nặng, da tím bầm, bụng chướng to rất dễ bị vỡ nội tạng và trào ngược dạ dày. Nhưng chỉ sau 5 giờ trợ niệm, bụng xẹp hẳn xuống, da mặt trắng ra và toàn thân mềm mại như khi còn sống. Nên  việc thay quần áo đi găng, tất thoải mái.

Sau 8 giờ trợ niệm đợt đầu của tôi, đề nghị gia đình mang hộ khẩu ra phường lấy giấy chứng tử và đăng ký “tạm vắng” sau đó giải quyết hậu sự theo hai hướng:

Một là: đưa thi hài (hoặc tro cốt) của tôi về an táng tại nghĩa trang quê nhà.  Hai là  điện thoại đến 3 địa chỉ thứ tự sau đây:

  1. Điện cho bà Hạnh, trưởng phòng Tổ chức Trung tâm Điều phối Quốc gia về lắp ghép bộ phận cơ thể người. Tôi đã nộp đơn tự nguyện hiến tạng đến trung tâm này.

Điện thoại bà Hạnh: 0989 055 808. Qua tìm hiểu, tôi biết khi bệnh nhân chết não có thể hiến tới 12 bộ phận của cơ thể:

 

Giác mạc Phổi
Thận Gân
Tụy Sụn
Tim Da
Gan Van tim
Xương Mạch máu

Trường hợp của tôi là chết già – tức từ 60 tuổi trở lên – thì chỉ có thể hiến giác mạc, còn các bộ phận khác hoặc bệnh, hoặc hết “đát” không dùng được nữa.

Hãy lấy giác mạc của tôi tặng cho người mù có hoàn cảnh khó khăn. Nếu phải chôn, hãy chôn đi những lỗi lầm, những việc làm những suy nghĩ yếu đuối, chôn đi những sai lầm trong quá khứ. Hãy đưa những tội lỗi của tôi cho quỷ dữ và gửi linh hồn của tôi (bằng cầu nguyện) đến cõi Phật Bồ Tát.

Sau này nếu nhớ đến tôi hãy có những lời nói những việc làm tử tế với cộng đồng, hãy ăn chay niệm Phật, phóng sinh, làm phước. Nếu được như thế tôi sẽ không bao giờ chết.

  1. Hãy điện cho cô Nga: chủ cơ sở Nhật Linh, số điện thoại: 0912356669 – chuyên làm tang lễ trọn gói gồm: xe tang và quan tài loại rẻ (giá ở nhà nghĩa trang 125 Phùng Hưng 1,6 triệu, ở công ty Nhật Linh 127 Phùng Hưng 2,2 triệu). Nhờ cô Nga chở thi hài của tôi lên Vĩnh hằng viên Thiên Đức. Tôi đã hợp đồng mua một suất đất theo hướng Tây hợp tuổi Ất Hợi của tôi (*)  + tiền hương khói lâu dài (đã khoán cho Thiên Đức) = 15.000.000 VNđ và 7.000.000 VN đ hỏa táng + tiền thuê xe chở thi hài lên Vĩnh Hằng viên. Tất cả các khoản cộng lại gần 30 triệu VNđ.
  2. Đề nghị liên hệ với anh Nguyễn Phương Nam trưởng phòng giao dịch Thiên Đức theo số máy: 0985859972. Tôi đã tìm hiểu khá nhiều vườn Vĩnh Hằng nhưng Thiên Đức là hơn cả vì hai lý do. Một là giá cả hợp lý, hai là những người quản lý của tập đoàn này khá hiểu biết về tâm linh, phong thủy như họa sỹ – nhà báo Trịnh Yên đã nhận xét. Tôi đã bàn và thống nhất với anh Nam rằng không tổ chức tang lễ theo kiểu kèn trống cờ quạt (ngoài 5 phút kèn xung trận ban đầu) không đọc điếu văn thống kê công việc, chức vụ, thành tích công trạng, công đức (vì tôi đã xác định lúc còn sống rằng làm điều tốt, điều xấu trời đều biết cả và trời sẽ thưởng phạt công minh). Chỉ cần đọc lá thư vĩnh biệt gia đình người thân trước khi đi xa của tôi và mấy lời chân thành cảm ơn Vĩnh hằng viên Thiên Đức đã lo cho tôi lần cuối. Tóm lại là làm nhanh, gọn, không cần cúng cơm, không có mâm cỗ (Nếu có tiền – không mong đợi – về việc phúng viếng đề nghị người nhà đến bệnh viện Ung Biếu (Bệnh viện K) làm quà cho bệnh nhân nghèo).

Điều tôi muốn lưu ý với người nhà là: Tuyệt đối không báo tin dữ này cho bất cứ ai để tránh gây phiền cho họ trong việc tiền nong phúng viếng. Ý của tôi là sau khi mồ yên mả đẹp mới báo cho bà con bạn bè để tránh phiền hà cho họ (và cả cho mình). Tôi không thích phiền người đến viếng với phong bì, trướng, vòng hoa. Cứ phải xem chương trình lục lạc vàng, cặp lá yêu thương, thì mới biết muốn làm người chân chính phải hết sức tiết kiệm để dành tiền cho các đối tượng trong các chương trình này.

Một lần nữa xin gửi lời vĩnh biệt trong tâm trạng rất vui của tôi vì tôi đã quá chán cảnh sống trong cõi Ta Bà ác trược đầy bất trắc, hiểm nguy trong một xã hội mà giàu thì bị ghét, nghèo thị bị khinh, thông minh họ tìm cách diệt – như NSND Chí Trung nói – một xã hội dị ứng với tri thức và cách điều hành hết sức tùy tiện nên mới có chuyện “không thể vô lý hơn” là xây dựng một nhà máy nghiền quặng ở nơi không có quặng; một ký túc xá nghìn tỷ ở chỗ chỉ có 1 sinh viên (Đà Lạt.) Xây nhà trường xa nơi dân cư hay dựng tượng đài giữa hoang vu cỏ mọc, làm một công trình nước sạch ở nơi không có nguồn nước” (báo Người Cao Tuổi ngày 7/1/2016).

Sống trong một xã hội tinh những nghịch lý như vậy mà mình được chết để  về với cảnh giới cao hơn khi mình biết chắc thì không vui sao được.

Một lần nữa xin vĩnh biệt gia đình, bà con, bạn bè thân thích. Chúc tất cả các vị đóng góp sức mình cho cộng đồng ngày một tốt hơn.

 

Tuệ Đạt – Đào Quang Tiến.

Ngõ 89 A Lý Nam Đế, P. Cửa Đông – Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội

: 01263405000

***

Tôi đã khóc mấy lần khi đọc Di Chúc của anh. Vậy khỏi góp ý. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm và noi gương từ bi của anh, tôi mạo muội góp thêm vài chữ. Mong anh khỏe vui. Hãy tụng kinh niệm Phật đều nhé.

Thư của bạn Hồng Cơ – nguyên Tổng biên tập tạp chí “Xây dựng Đảng”.

***

          Trước hết em xin chúc mừng Anh đã đi đến cuối đời trong tâm thế luôn cố gắng tịnh tiến về Tâm , về Trí nên luôn làm chủ được thân tâm, sống có ích cho gia đình và xã hội, có nhiều công quả nên được Phúc Lộc may mắn không dễ gì người đời có được: Thân Tâm An Lạc, Trí tuệ dồi dào, vợ hiền, con cái đề huề, thành đạt, bạn bè đông đảo, luôn trân trọng quý mến Anh vì đức khiêm nhường, tình cảm vị tha. Em cũng chúc mừng anh đã có được nhiều kiếp trước dầy công tu tập để kiếp này được quả phúc dồi dào như vậy. Lại mừng vì Anh xuất thân từ dòng họ cao quý, vinh hiển, nhiều đời dày công tích, có công với nước với dân. Mừng vì anh đã thanh thản chủ động chuẩn bị chu đáo trước bước ngoặt chuyển đổi tất yếu của sự đời sinh tử. Anh đã có được cách ứng xử rất khác đời, phản ảnh rõ cái Tâm, cái tầm Trí Đức của anh…

Những lựa chọn của Anh cho tương lai em cũng thấy rất chuẩn. Vì vậy nếu được em xin phép được sử dụng “Lá thư” này để đăng Tạp chí Người Cao Tuổi để người đời bớt u ám, nặng nề, hoang mang lo sợ trước cái chết và biết sống sao cho tử tế sáng suốt hơn. Rất mong anh cho phép.

Trích thư của bạn Bùi Đăng Bằng – Tổng biên tập Tạp chí “ Người Cao Tuổi”.

Phụ lục:

Nghĩ đến những cái chết của những vĩ nhân số một thế giới như: Leptonxtoi một bá tước cao quý và đầy tài năng mà phải rời khỏi nhà đi lang thang khắp nơi vì bị vợ phản bội và chết tại một nhà ga xép ở Thụy Sỹ. Hay như Freud (1856 – 1939) người Áo gốc Do Thái được đánh giá cùng Einstein và Marx là ba bộ óc siêu việt đã làm đảo lộn tri thức và cuộc sống con người ở thế kỷ thứ XX. Ảnh hưởng của Freud sâu đậm trong y học, nghệ thuật, triết học, văn học, khoa học xã hội, đạo đức học, phong tục tập quán (cuốn từ điển có uy tín của Mỹ đã viết như vậy về ông). Con người vĩ đại nhất thế kỷ mà phải chịu đựng căn bệnh ung thư hàm đau đớn dày vò suốt 16 năm với 32 lần mổ. Rồi cuối cùng phải tự kết liễu đời mình  bằng mũi tiêm 3cc morphine. Số phận đã tránh cho ông khỏi phải chịu nỗi đau đớn tinh thần kinh khủng là 3 năm sau, 4 chị em gái của ông đã bị giết trong trại tập trung của Đức Quốc Xã! Đó! Cuộc đời đau khổ của một vĩ nhân!

Chắc chắn tôi không bị chết khổ như hai nhân vật kiệt xuất trên, không vui sao được?

                                                                                                               Đào Quang Tiến

(*)

Ất Hợi mệnh Khôn mạng Tây Tứ Trạch: Tây – tây Nam, Tây Bắc

Bài viết khác