Quan điểm của Phật giáo về Tình yêu lứa đôi

Tỳ kheo Thích Quảng Đạt

 Tình yêu là một đề tài muôn thuở, không chỉ trong thi ca, trong đời sống, mà ngay cả trong Tôn giáo, tình yêu vẫn luôn là một nguồn cảm hứng, một vấn đề không ngừng được tư duy, suy ngẫm. Đối với Phật giáo, với tư tưởng “Bất ly thế gian Pháp”, Tình yêu đôi lứa là một phạm trù được chú trọng đề cập. Đặc biệt hơn, trong nhịp sống hiện nay, khi xã hội đang không ngừng biến động, nhân cách, tư tưởng, tình cảm của con người cũng theo đó mà có phần bị ảnh hưởng. Khi những giá trị tình cảm vốn cao cả lại bị xem nhẹ, thậm chí bị đem ra làm trò mua vui, đùa cợt… thì vấn đề tình yêu đôi lứa – một trong những nguyên nhân tạo nên lối sống của con người lại càng cần được tìm hiểu, nhìn nhận và suy ngẫm một cách nghiêm túc và đúng đắn.

Mỗi con người sinh ra trên cuộc đời đều có nhu cầu yêu đương và mong muốn có được một tình yêu cao đẹp, bền vững. Không phân biệt đó là giới tính, tôn giáo, giai cấp, hay địa vị xã hội nào. Trong cuộc sống thế tục, lẽ tự nhiên, con người ta khi sinh ra lớn lên ai cũng mong muốn tìm thấy một nửa kia của mình để từ đó xây dựng ngôi nhà hạnh phúc có tình yêu và những đứa trẻ, điều đó dường như trở thành trở thành một bổn phận, một trách nhiệm của mỗi cá nhân (nhất là trong xã hội nước ta). Có thể nói, hành trình đi tìm “người bạn đời” là một trong những thử thách đầy gian nan và lớn lao nhất trong cuộc đời của mỗi người. Và phải chăng, cũng vì thế mà tình yêu đã, đang và sẽ mãi là đề tài hay, hấp dẫn, thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ở mọi thời đại.

Phật giáo, một tôn giáo được mệnh danh là “tôn giáo của mọi thời đại”, đã đồng hành cùng với lịch sử nhân loại hơn 2.500 năm qua có quan điểm như thế nào về tình yêu lứa đôi? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với độc giả những góc nhìn rõ hơn về tình yêu lứa đôi theo quan điểm Phật giáo.

  1. Phật giáo đề cập đến vấn đề Tình yêu

Mục đích cuối cùng của Phật giáo là hướng con người đến với sự giác ngộ, giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Và để đi đến điểm đích cuối cùng đó, những người theo đạo Phật có hai thành phần:

– Thành phần thứ nhất là những ai muốn đi nhanh, đi đúng đường và có ý chí, nghị lực cao, cũng như có tâm từ bi dõng mãnh thì chọn con đường xuất gia, thoát tục. Những người này lựa chọn cuộc sống độc thân, không lập gia đình, không hưởng thụ khoái lạc, lục dục của thế gian. Đời sống độc thân như vậy mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa thực tiễn cho sự tu tập và phụng sự đạo pháp, chúng sanh. Song, điều này không có nghĩa đạo Phật phản đối hay chối bỏ vấn đề “tình yêu đôi lứa”, mà đơn thuần vì: Một người lập gia đình phải thường xuyên bận bịu với cuộc mưu sinh nên có rất ít tự do và thời gian để theo đuổi đời sống tâm linh một cách triệt để, xuyên suốt; chính vì thế, giới luật nhà Phật nghiêm cấm người xuất gia có đời sống vợ chồng.

– Thành phần thứ hai là những người chọn sống đời sống thế tục, lập gia đình và sinh con cái. Họ sống và làm việc cùng với các hoạt động chung của xã hội. Tuy nhiên, với Phật pháp, họ là những người quy y Tam bảo, nên đời sống của họ còn áp dụng thêm những tiêu chuẩn đạo đức mà Phật giáo quy định, để giúp cuộc sống thường nhật và tâm linh ngày càng được thăng hoa.

Mỗi khi đề cập đến đạo Phật thì người ta thường chỉ nghĩ đến những người xuất gia, nên theo lẽ đó mà đa phần cho rằng “tình yêu đôi lứa” là lĩnh vực ít được (thậm chí không được) đề cập, và phân vân không biết Phật giáo có quan điểm như thế nào về vấn đề này hay không! Thực tế, Phật giáo đã xác lập vấn đề này một cách rõ ràng, cụ thể qua tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng ngay trong đời sống hiện thực, được ghi nhận trong nhiều kinh tạng Phật giáo. Với các bản kinh thuộc Phật giáo Nguyên thủy, việc thiết lập một tư duy quan trong mối quan hệ tình cảm nam nữ nhằm mục tiêu xây dựng một đời sống hướng thượng, hướng thiện, tạo dựng nền tảng gia đình hạnh phúc theo giới luật của hàng Phật tử tại gia, trong đời này và nhiều thế hệ đời sau.

Mở đầu kinh Tăng Chi, bài kinh Nữ sắc, Phật nói về vấn đề quan hệ tình cảm nam nữ như sau:

“Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn người đàn ông”. Rồi Phật nói tiếp: “Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ- kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kkheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. “Ta không thấy một hương,… một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương vị, xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, hương, vị, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông…”.[i]

Từ đoạn kinh trên, có thể hiểu theo một cách đơn giản: “Hương” có nghĩa là mùi hương; “vị” tức là vị nếm, mùi vị; “xúc” tức là sự tiếp xúc, va chạm. Trong mối quan hệ giữa người nam và người nữ, người nam ưa thích, bị cám dỗ bởi những điều ấy từ người nữ. Ngược lại, người nữ cũng cần những điều ấy từ người nam, cho nên Phật nói tiếp: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”. Phật lại tiếp tục diễn trình về “tiếng”, “hương”, “vị”, “xúc”… của người nam cũng xâm chiếm và ngự trị tâm người nữ, được người nữ ưa thích và ham muốn. Như vậy, Đức Phật nhận định sự biểu lộ tình cảm, quan hệ yêu đương giữa hai cá nhân, nhìn từ hình dáng bên ngoài do sự khác biệt về giới tính mà nam và nữ hấp dẫn lẫn nhau, bị thu hút với nhau không những bằng sắc đẹp, mà còn bằng âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự tiếp xúc,… và tìm đến với nhau qua con đường tình cảm yêu thương. Đạo Phật không hề phủ nhận hay ngăn cấm tình yêu nam nữ, ngược lại còn xác nhận đó như là một yếu tố tự nhiên, tất yếu của con ngươi trong cuộc sống thế gian; bởi lẽ con người đang sống trong cõi Dục giới, chất đầy khát ái; và việc nam nữ đến với nhau để xây dựng gia đình, duy trì nòi giống, đó là nghiệp lực của con người, hiển nhiên phải như thế!

  1. Tình yêu đúng đắn theo nhân sinh quan Phật giáo

Theo luận điểm trên, cũng không có nghĩa: Con người thích yêu như thế nào cũng được. Học thuyết Nhân quả – Nghiệp báo của đạo Phật khẳng định con người là chủ nhân của nghiệp, là người chịu trách nhiệm trước những nghiệp đã gây tạo, và nghiệp là thai tạng. Cho nên, đạo Phật dạy con người phải nhận thức đúng đắn, có thái độ sống và hành vi ứng xử đúng mực, đặc biệt, Phật giáo giáo đề cao thái độ sống không tà dâm-Đây cũng là một tư tưởng tiến bộ của Phật giáo, phù hợp với sự tiến bộ của nhân loại.

“Không tà dâm” trong giới pháp của người Phật tử tại gia có nghĩa là người Phật tử thì nên giữ gìn và tôn trọng mối quan hệ một-một (một nam và một nữ trong mối quan hệ tình cảm nam nữ; hay một vợ, một chồng trong quan hệ gia đình), không nên có quan hệ nam nữ hay biểu lộ tình cảm không chính đáng, làm đổ vỡ hạnh phúc của mình và của người khác, mang tiếng xấu cho mình và cho gia đình. Làm được như vậy sẽ bảo vệ quyền được hạnh phúc của con người, xã hội nhờ đó mà trở nền văn minh, tiến bộ và không ngừng phát triển. Chính vì thế, mà giới thứ ba trong năm giới của người Phật tử tại gia là không được phép có những quan hệ nam nữ không chính đáng. Giới điều này không chỉ phù hợp cho người Phật tử, mà như đã đề cập, điều này phù hợp với tất cả nhân loại, đặc biệt là trong cuộc sống ngày càng văn minh, bình đẳng, đề cao nhân quyền cũng như vai trò của gia đình trong việc xây dựng, phát triển xã hội.

  1. Xây dựng và giữ gìn mối quan hệ tình cảm chân chánh theo lời dạy của Đức Phật

Tình yêu nam nữ cũng như mọi thứ tình cảm khác có mặt trên cuộc đời, theo Phật giáo cũng cần được chăm sóc và vun bồi. Vì tình yêu là nghiệp ái của mỗi người và bản chất của nó là trói buộc và vị kỷ nên hạnh phúc lứa đôi tuy có, nhưng theo lẽ “vô thường”, tất nhiên sẽ mong manh dễ vỡ.

Tình yêu muốn lâu bền, cần phải được nâng niu, trân quý và gìn giữ suốt cả cuộc đời mới mong bền vững, hạnh phúc. Nuôi dưỡng tình yêu không phải mãi nghĩ về người mình yêu, mà còn học cách tu dưỡng đạo đức, sống chân thành, hiểu biết, chia sẻ và yêu thương hết lòng với người mình thương.

Như tìm hiểu ở trên, Đạo Phật không khuyến cáo, lại càng không bắt buộc các Phật tử phải tránh xa mọi mối quan hệ nam nữ, tình cảm lứa đôi, hay cực đoan trong sinh hoạt chăn gối của đời sống vợ chồng. Đạo Phật chỉ khuyến khích con người tìm đến những hạnh phúc chân thật hơn, cao cả hơn, lâu bền hơn. Đó là niềm vui sống đạo đức, niềm vui không vị kỷ, trải lòng từ với mọi người, niềm vui của đời sống thuần thiện thanh cao không bị dục nhiễm chi phối, dẫn dắt vào cuộc sống trụy lạc và cuối cùng là niềm vui của sự đoạn trừ tham ái, ly si tức là an vui giải thoát.

Với đôi dòng chia sẻ, chúng tôi xin tạm khép lại nội dung trên bằng câu nói: “Con người gặp nhau, sống và yêu nhau đều bởi chữ Duyên. Tình cảm không thể miễn cưỡng, cưỡng cầu, hãy luôn tỉnh táo, trân trọng và chánh tín trong tình yêu!”../.

[i] Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, Chương I-Một Pháp, Phẩm Sắc

Bài viết khác