Tìm hiểu về tình yêu nam nữ qua góc độ Phật giáo

Tìm hiểu vài nét về tình yêu nam nữ dưới góc độ Phật học

Tác giả: ThS. Lý Thị Thảo

TS. Trần Văn Thành

  Tóm tắt

Tiếng Việt

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức đang làm thay đổi suy nghĩ, nếp sống của người dân. Một số giới trẻ có quan niệm tình yêu đơn giản như thứ hàng hóa trao đổi, dẫn tới khổ đau. Dựa trên cơ sở khoa học, tư tưởng Phật giáo tác giả luận về “Tìm hiểu vài nét về Tình yêu nam nữ dưới góc độ Phật học”. Bài viết này cho thấy tình yêu hình thành cách đây từ rất sớm, theo Phật giáo thì vô thuỷ vô chung. Nếu như nam nữ tích luỹ được kiến thức, kinh nghiệm, thực tập tu thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh qua Tứ vô lượng tâm, không cố chấp dẫn tới sai lầm, có niềm tin, thông cảm, độ lượng thì dễ dàng có một tình yêu hạnh phúc bền chặt, góp phần xã hội, đất nước ổn định, phát triển, phồn vinh.

Từ khóa: Tình yêu, tình yêu cao thượng, tình yêu nam nữ, góc độ Phật học.

Tiếng Anh

The rapid development of the economy, politics, society, ethics are changing the thinking and lifestyle of people. Some young people have a simple concept of love as a trade item, leading to suffering. Based on scientific basis, Buddhist thought, the author has commented on “Study a few things about the love of men and women from a Buddhist perspective” This article shows that love formed very early, according to Buddhism, there is no starting point, no point of termination. If men and women accumulate knowledge, experience, practice religious sunyata body – mouth – mind karma of the first four  infinite mind, not trying to lead to false, have faith, sympathy generosity is easy there is a strong love for happiness, contributing to society, the country is stable, prosperous. 

Keyword: love, platonic love, love of men and women, Buddhist perspective.

Hình ảnh minh họa 1

  1. Đặt vấn đề

Lịch sử loài người, bắt đầu từ thời đại đá cũ, nó kéo dài khoảng 2,5 triệu năm trước trong hình thái kinh tế Công Xã Nguyên Thủy,trong hàng triệu triệu năm ấy cuộc sống sinh hoạt của loài người vẫn mãi trường tồn với thời gian [1]. “Trong tính hiện thực của nó con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” – K.Marx. Câu nói của K. Marx có giá trị là bởi lẽ trong mối quan hệ đa dạng tổng hòa đó nó được hun đúc bởi nếp sống văn hóa ngàn năm, bởi sự giao lưu giữa người với người khiến những nhu cầu tình cảm, tình yêu thương chăm sóc vốn có chất tâm lý, sinh lý trong ta được nhen nhóm khởi phát. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử một tình yêu đẹp một cuộc sống ý nghĩa và một gia đình hạnh phúc vẫn mãi là nguyện ước còn đó. 

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là quan niệm về tình yêu không thay đổi mà thực chất là nó luôn đổi thay trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong thời đại mới, tình yêu nam nữ được giới trẻ hiện nay quan niệm là sự trao đổi, mà  hàng hóa chính là cảm xúc và cảm giác của hai bên. Tình yêu lúc đó dù có mạnh mẽ đến đâu chăng nữa thì nó cũng thật mong manh, chỉ cần một cơn gió nhẹ ở bên ngoài cảm xúc – cảm giác của một bên là sẽ thay đổi, là bão táp phong ba ập tới.

Quy luật của cuộc sống là vô thường, kể cả tình yêu lứa đôi cũng vậy. Nếu  ta đủ nhẫn nại để quan sát, ta sẽ thấy rõ, vị đắng, vị ngọt của tình yêu, thấy rõ nó sinh ra và mất đi như thế nào, và khi hiểu được điều đó ta sẽ tò mò muốn tìm được bản chất, động cơ đích thực của tình yêu.

Vậy để tìm lời giải đáp cho một quan niệm phù hợp và một hướng đi cho những người đang yêu, đã yêu và sẽ yêu là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó, trong bài viết này tác giả cũng mạnh dạn mượn tư tưởng Phật giáo để “Tìm hiểu vài nét về tình yêu nam nữ dưới góc độ Phật học” nhằm giải đáp những khúc mắc về tình yêu đôi lứa trong cuộc sống hiện hữu này.

  1. Vài nét về tình yêu nam nữ

2.1. Một số khái niệm và cơ sở của tình yêu

2.1.1. Khái niệm về tình yêu

Nói về tình yêu đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, tôn giáo…có định nghĩa về tình yêu. Như Nguyễn Du, Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, Thích Ca Mâu Ni Phật,…Theo Từ Điển Hán Việt của Thiều Chửu thì Ái (愛) là cảm tình thân mật, lòng quý mến, tình yêu thương, yêu, mến. Tình (情) là ý niệm tự nhiên hoặc trạng thái tâm lý do sự vật bên ngoài kích thích mà phát sinh, lòng yêu mến, quyến rũ giữa nam và nữ. Gộp Ái Tình (愛 情) được dịch ra là Tình yêu thân mật quyến rũ như thế [14].

Hình ảnh minh họa 2

Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên dẫn: “Tình yêu là tình cảm nồng thắm, gắn bó thân thiết với nhau” [13; tr.1650]. Vậy có thể nói, tình yêu là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân “Tôi yêu mẹ tôi” đến niềm vui sướng “Tôi thích món ăn”. Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó. Nó cũng có thể là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, sự nhân từ, và sự thông cảm – “mối quan tâm trung thành và vị tha hướng tới người khác”. Nó cũng có thể mô tả các hành động nhân văn và thông cảm đối với người khác, chính bản thân mình hoặc các con vật.

Hay nhà thơ mới Xuân Diệu[1] (2/2/1916 – 18/12/1985) có viết trong bài thơ Yêu của ông:

“Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ hoặc thờ ơ, chẳng biết…”[17]

Hình ảnh minh họa 3

Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh có quan niệm; Tình yêu: là ái tình.

Nói đến chữ “Ái” có liên hệ đến chữ yêu, tức là liên quan đến tâm của mình, đến thân của mình. Hay trong đạo Phật cũng có nói đến từ ái dục là ham muốn thèm khát, đem lại rất nhiều hạnh phúc. Khi đã yêu rồi muốn được gần nhau, muốn cầm tay nhau muốn ôm ấp có nhau giống như người mẹ muốn ẵm đứa con của mình trong lòng. Tại sao như vậy? để lý giải cho điều này chúng ta cùng tìm hiểu về cơ sở của tình yêu.

2.1.2. Cơ sở của tình yêu

– Cơ sở xã hội của tình yêu

Một câu hỏi hoàn toàn không dễ đối với các nhà nghiên cứu trẻ tuổi, nhưng trong phạm vi bài viết tôi mạnh dạn đưa ra quan niệm của mình về sự xuất hiện tình yêu lứa đôi trên bình diện xã hội. Vậy để hiểu được cội rễ của vấn đề, có lẽ ta phải đặt nó vào trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, gắn bản chất tình yêu với bản chất con người, đặt tình yêu trong một hoàn cảnh xã hội, một giai đoạn lịch sử nào đó. Khi ấy ta sẽ hiểu được ngọn nguồn của vấn đề và cắt nghĩa được vì sao tình yêu luôn là nhu cần thiết và không thể thiếu của mỗi người ngay từ xã hội ban sơ đến xã hội hiện đại ngày nay. Chính lòng nhân ái, cùng với nhu cầu đặc trưng của nó ở một giai đoạn lịch sử nào đó cá nhân đã hình thành nhu cầu về người khác. Nhu cầu về lòng nhân ái có lẽ là gốc rễ chủ yếu, là nền tảng thực sự của tình yêu nam nữ. Để hiểu và giải thích thuyết phục hơn thì cơ sơ khoa học của tình yêu nam nữ cũng rất quan trọng và cần thiết.

– Cơ sở khoa học của tình yêu

+ Học thuyết Adrenaline; Adrenaline là một loại hóc môn mà cơ thể chúng ta tiết ra khi rơi vào trạng thái xúc cảm cao độ. Hoocmon này làm tăng cảm giác ham muốn yêu đương ở con người.

+ Học thuyết Feniloety loamina – Phenilatamin; Phenilatamin là một chất có trong máu của những người đang yêu. Nó gây cho họ cảm xúc sung sướng và hạnh phúc.

+ Học thuyết di truyền, một nghiên cứu mới về di truyền đã khẳng định học thuyết Darwin về sự tiến hóa trong con người luôn tìm một nửa của mình, tạo nên hiện tượng tình yêu [4].

Thực sự khả năng và khao khát yêu thương có trong tất cả chúng ta, hình thành trong quá trình phát triển tiến hóa tự nhiên. Cũng theo học thuyết di truyền này, đối với những tình yêu hai giới có những đặc tính, nhu cầu, quan niệm có phần khác nhau:

+ Hóa chất của tình yêu bao gồm Dopamine norepinephine [6] có tác dụng ức chế adenosine, một chất điều biến thần kinh trong não có tác dụng điều tiết thần kinh. Những hóa chất này được sinh ra khi những người yêu nhau ở bên nhau chúng làm cho họ thực sự hạnh phúc, vui vẻ và lúc nào cũng muốn ở bên nhau, với họ không có giới hạn về thời gian.

+ Vai trò của 5 giác quan trong tình yêu

– Thị giác: Là “khả năng nhận và diễn giải thông tin đi vào mắt. Việc tri giác này còn được gọi là thị lực sự nhìn”[7].

Nên “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” cửa sổ của sự lôi cuốn và hấp dẫn. Con người yêu nhau có thể đọc được lời tự bạch của người yêu qua độ mở rộng hẹp của đồng tử. Đôi mắt chiếm vai trò thực sự quan trọng, chúng ta nghe thấy không phải từng ý nghĩ riêng lẻ mà đó là sự cộng hưởng của toàn thể thế giới tâm hồn của ta.

-Xúc giác: Là “những cảm giác có được khi đụng chạm, tiếp xúc bằng da”- (tiếp xúc qua thân với thân) [8]. Đôi bàn tay trong tình yêu được ví như sự an ủi khi ta gặp khó khăn, cái xiết tay thật chặt, tay trong tay là sự đồng điệu nồng ấm mỗi khi cần có sự chia sẻ khó khăn, cái xiết tay chúc mừng khi ta thành công. Sự nhạy cảm qua làn da của những người yêu nhau tạo ra sự hứng phấn thật lạ kỳ.

-Thính giác: Đây là khả năng tiếp thu âm thanh bằng cách phát hiện các dao động qua một cơ quan ví như tai [9]. 

Những lời nói ngọt ngào trên đầu môi là tiếng ru êm ái, say nồng thổi vào vào tai thì thầm nhờ làn gió của tình yêu.

– Vị giác (còn gọi là Thiệt thức): là sự cảm nhận sự mùi vị của lưỡi [12].

– Khứu giác: Là một trong năm giác quan của con người và động vật. Giác quan này có tác dụng cảm nhận mùi [10; tr.166–171].

Những mùi hương của hoa, mùi hương của tình yêu say nồng cũng làm tăng thêm thi vị cho tình yêu.

2.2. Tình yêu nam nữ dưới góc độ Phật giáo

2.2.1. Ái và dục, hiểu và thương, thân và tâm trong tình yêu

Nhiều người cho rằng hạnh phúc có được từ tình yêu trong sáng nhưng làm thế nào để có tình yêu chân chính ấy là một vấn đề phức tạp. Tất cả những cở sở về xã hội cũng như cơ sở khoa học trong tình yêu nêu trên đã một phần nào chứng minh được tình yêu được nẩy nở từ đâu. Nhưng theo quan niệm tình yêu trong đạo Phật như đã nói ở trên nó có điểm xuất phát từ “Ái và dục” hai phạm trù này có mối tương quan lẫn nhau. Nhưng một tình yêu mà chỉ có “Dục” thôi thì chưa đủ, tính dục nó chỉ đơn thuần là sự thỏa mãn về sinh lý của con người mà thôi. Còn “Ái” là sự lưu luyến, yêu thương. Vậy đó là tình yêu, nó đem đến sự thèm khát, sự muốn có nhau và rất muốn có sự tiếp nối.

Theo truyền thống của Phương Đông việc duy trì giống nòi là quan trọng, rất cần thiết. Tức là mình tạo ra một thế hệ sau mang huyết thống. Điều này không chỉ có trong loài người (hữu tình) mà ở cả loài thực vật (vô tình) như cây cỏ cũng có âm dương cũng có tính dục giao hợp để tồn tại.

– Hiểu và thương:

Trong mỗi người đều có nhu cầu “hiểu và thương”. “Hiểu” nghĩa là biết được sự vận động của trí tuệ, am hiểu, thấu hiểu thông hiểu “thương” là động lòng thương xót sâu xa trước tình cảnh nào đó[3].

Tình yêu luôn có sự tò mò là vì thế. “Hiểu và thương” là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ lẫn nhau. Với tình yêu nam nữ hai phạm trù này rất quan trọng và cần thiết để tạo nên chất kết dính bền lâu, và cũng là thước đo để đánh giá mối quan hệ tình cảm của hai người là bền chặt hay chỉ là sự nhất thời. Khi người nam kia không có sự hiểu thì không thể nào có thương, làm cho mình hạnh phúc được và người nữ kia cũng vậy. Vậy phải đặt câu hỏi họ có hiểu được mình hay không, hiểu được khó khăn của mình, và chỉ có sự cam kết khi người đó có khả năng hiểu và thương mình chân thành. Giáo dục thời xưa đã nói kỹ về vấn đề này, con người ta có thể vượt qua hàng rào của lễ giáo Phong kiến, nhưng mà tới hàng rào quan trọng nhất thì họ dừng lại được. Phải chăng Thúy Kiều và Kim Trọng là hình mẫu lý tưởng trong việc thực hiện bảo vệ lễ giáo này:  

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi

Thưa rằng: “Ðừng lấy làm chơi,

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Ðã cho vào bậc bố kinh,

Ðạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu…”[16; 499-505]

2.2.2. Đạo đức trong tình yêu

Ngoài “hiểu và thương” trong tình yêu nó vẫn rất cần phải có cái “đạo”, tức là đạo đức trong tình yêu. Có lẽ, điều này không chỉ đúng với con người trong thời nay mà xem ra chuẩn mực đạo đức này còn đúng với con người trong thế hệ trước và chắc hẳn sẽ kéo dài tới thế hệ tương lai. Nếu chúng ta phạm vào tà dâm sẽ làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của người khác, thậm chí làm tan lát gia đình người khác. Vậy nên tình yêu phải có giới luật, có chuẩn mực đạo đức của nó. Ngay chúng ta, chính những bạn trẻ trong thời nay cũng phải học cách yêu, hiểu rõ vấn đề sẽ không dẫn tới sự tan vỡ, sự đổ lát, mang lại hạnh phúc cho gia đình mình và cho toàn xã hội.

Hình ảnh minh họa 4

Với “Thân và tâm” trong ánh sáng của Phật học nó không thể phân biệt được cái thân và tâm tức là nó có mối liên hệ không tách rời, muốn giữ cho cái thân thì phải giữ cho cái tâm, muốn giữ cho cái tâm thì phải giữ cho cái thân. Khi họ biết kính trọng cái tâm, họ cũng biết kính trọng cái thân của mình, khi người kia khinh rẻ, khỉnh khi (khinh – lệch) cái tâm của mình thì cũng khỉnh khỉ cái thân của mình. Vì thế, nó chỉ có “dục” chứ không có “ái” và điều đó không thể nói là tình yêu mà đó chỉ là sự thỏa mãn dục vọng.

Trong truyền thống của người Phương Đông khi muốn chia sẻ, bộc bạch những điều sâu kín nhất trong lòng khi và chỉ khi họ gặp người tâm đầu ý hợp chứ không nói với bất kì ai. Người đó phải là người bạn rất thân, rất tin tưởng, và cái thân của mình cũng vậy, chỉ khi gặp được người tri kỉ mới chia sẻ những điều thầm kín nhất. Cái thân của mình chỉ có thể giao phó cho người tin tưởng nhất trên đời mà không phải ai cũng có thể động chạm tới được. Người đó phải là người thực sự có sự tôn trọng cung kính, kính nể cái thân và cái tâm của mình. Đó là nền văn hóa Phương Đông.

Hình ảnh minh họa 5

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Yêu mà làm khổ nhau không phải là tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ lụy, chỉ mang tới sự khổ đau”, hay “Yêu thương ai là phải làm cho người đó bớt khổ. Nếu không chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực”[11].

Trong Kinh Tăng Chi, bài Nữ sắc, Phật nói về vấn đề quan hệ tình yêu nam nữ như: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. Phật (Thế Tôn) giảng tiếp “Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ- kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỳ-kkheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. “Ta không thấy một hương,… một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương, vị, xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, hương, vị, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông…”. Tỳ kheo là chỉ cho người nam giới xuất gia làm sư tăng (nam). Việc Phật giảng về vấn đề thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp của thế gian, của người đàn bà (nữ giới), Ngài thấy như thật, chúng là như thế, chúng không sinh, không bớt, không tăng, không giảm, cái thấy ở đây bằng thực tướng đẹp, xinh, thích như bản thể thanh tịnh, không có gì trong đó, gọi là không tự tính (Tính Không). Cái thấy của Phật về tình yêu nam nữ là cái thấy bằng Trí tuệ siêu việt, cái thấy không bị thiên kiến, nhị biên gì cả, thoát ra ngoài gọng kìm đối đãi của thế gian. Để có bình an, hạnh phúc trong tình yêu thì con người cần phải tinh tấn tu giới – định – tuệ. Từ đó thấy trong tình yêu theo Phật giáo đặc sắc hơn các tôn giáo khác là ở chỗ vô ngã. Tình yêu vô ngã nên mới có thể thông cảm và tha thứ cho nhau, và thương yêu sâu sắc hơn.

Vậy trên đời này, nếu người nào yêu mà không mong được người yêu lại, người đó mới là người yêu thật lòng. Gandhi cũng thừa nhận rằng: “Tình yêu chân chính bao giờ cũng hiến tặng, không bao giờ đòi hỏi đền đáp”. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Thương người như thể thương thân”

Tình yêu là cái gì cao quý hơn rất nhiều. Bởi mình không phải là món hàng của người khác, không phải là đối tượng tiêu thụ dục vọng của người khác, mình không kính trọng mình thì người khác không thể kính trọng mình. Khi thực lòng yêu ai đó, thì ta không thể làm tổn thương người ta yêu. Ta phải biết nâng niu người yêu, phải biết tôn trọng cái thể xác và cái tâm hồn, và tôn trọng cái ước mơ, chí nguyện của người ấy. “Cung kính như tân” (Kính quý như mới).

Trong phật giáo có câu chuyện của ngài A Nan – vị thị giả của đức Phật. Ngài A Nan là người nổi tiếng hiền, thông minh, học giỏi, đẹp trai. Một hôm có cô gái tiếp xúc với ngài, đã bị tiếng sét ái tình giáng trúng. Cô nhớ nhung, đau khổ và rồi nhờ sự giúp đỡ của mẹ, cô đã dùng bùa chú để chinh phục cho bằng được Ngài A Nan. Rất may là Đức Phật đã quán biết sự việc trên và cho người đến giải cứu. Ngài A Nan thoát nạn, song cô gái lại hết sức bất mãn. Cô quyết định đến gặp Đức Phật và bắt đền. Đức Phật khéo hỏi cô gái con yêu A Nan vì cái gì?  Cô lúng túng, cố gắng trả lời rằng con yêu A Nan vì ngài có đôi mắt đẹp, cái mũi cũng đẹp, cái miệng cũng đẹp… Đức phật lần lượt chỉ rằng cái mũi, cái mắt …Hay nói cách khác là cái thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa = xương thịt) của ngài A Nan chỉ là tập hợp của nhiều yếu tố tạm thời cấu thành, song đó là những yếu tố bất tịnh. Sau cùng Đức Phật hỏi con yêu A Nan thì con có yêu chí nguyện xuất gia của A Nan không? Đến đây thì cô gái tỉnh ngộ. Cuối cùng cô đã xuất gia tu hành chứng quả A La Hán (rõ mọi sự). Nên nếu tình yêu dùng cái bóng sắc bên ngoài để chinh phục sớm muộn cũng bị đổ vỡ. Mình phải có giá trị thì tình yêu đó mới có giá trị lâu dài. Giá trị đó cần phải chế tác từ đức hạnh, tài năng, chung thủy, hạnh phúc, khả năng sống hạnh phúc, giúp được người kia sống hạnh phúc và ngày càng có nhiều hạnh phúc. Nếu có đủ những cái đó rồi thì mới đủ giúp nhau về thiện hạnh và khi đạt đến độ đó rồi thì sống một mình cũng có hạnh phúc.

2.2.3. Học cách chăm sóc, yêu thương trong chính niệm

Yêu thương là cả một nghệ thuật, là cả một quá tŕnh chăm sóc nuôi dưỡng. Chắc chắn rằng nghệ thuật này cần phải học, cần phải rèn rũa. Có rất nhiều cặp tình nhân sau một thời gian yêu nhau, sau cơn say nồng đã tuyên bố chia tay vì một lý do không hiểu nhau, hết duyên. Họ đã thiếu cẩn trọng khi đến với nhau hay nói cách khác tình yêu của họ vắng bóng chính niệm và chia tay là điều có thể.

Chính niệm (正念) là sự nhớ nghĩ, tỉnh thức, nhận diện rõ ràng trong hiện tại mình đang làm gì, đang nói gì, đang nghĩ gì một cách chính xác, không sai lệch. Chính niệm giúp ta nhìn đúng bản chất của sự vật. Dù anh hay là em cũng chính là một con người cũng có đầy đủ những cái ưu và cái nhược, cái tốt và cái xấu. Cho nên không thể hời hợt nhìn người mình yêu, cũng không thể đeo cặp kính hồng để thấy người mình yêu luôn tuyệt vời. Trong cuộc sống hàng ngày có quá nhiều công việc bận rộn nên không thể trọn vẹn với người mình thương. Nên trong giây phút chính niệm ta có sự chuyên chú, sâu sắc và nhậy bén. Nhờ đó ta mới biết người thương cần điều gì nơi ta và ta cần gì ở người ấy, ta mới giúp được gì cho người ấy. Sự thờ ơ và thiếu vắng thông cảm, nhậy bén là nguyên do khiến tình yêu lụi tàn. Cho dù ta có một giây, một phút bên người ta yêu, nhưng đó là phút giây trọn vẹn, hơn là sống với nhau vài chục năm mà không có sự lắng nghe, thấu hiểu, không thấy được sự có mặt của người ấy.

Như đã nói ở phần vai trò của giác quan trong tình yêu, khi ta cầm tay trong tay nhau phải để tâm hoàn toàn vào lòng bàn tay. Khi ta ôm trọn người thương vào lòng cũng vậy, hãy quên tất cả, hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức trong vòng tay âu yếm và tay trong tay. Chính niệm này giúp tình yêu vững vàng hơn. Tuy nhiên, do một nguyên nhân nào đó, ta không thể cùng người ta yêu đi trọn con đường đời, thì ta vẫn có thể giữ được một mối quan tâm đúng mực, một tình yêu trong sáng, chân chính.

Trong cuộc sống hiện đại rất nhiều người, khi yêu nhau rất đỗi mặn nồng, đến khi chia tay thì oán hận lạ xa. Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) thời Lý có một bài thơ Hữu Không rất hay, nói về tính triết lý duyên khởi của Phật giáo, nhưng ta cũng có thể mượn để soi thấu vào những tình cảm yêu thương nam nữ này: “Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không”(Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không) – khi yêu, trong đôi mắt em, anh là tất cả, anh hơi mệt  là em đã lo lắng vô cùng, nói chi đến khi anh bệnh, anh cần. Còn khi không yêu, thì thế giới của em chẳng thuộc về anh, em có sống có chết thì anh cũng không quan tâm, không còn chút trách nhiệm nào nữa. Đó là một thói thông thường mà xưa nay thường hay gặp, nhưng với những người có một tình yêu thực tập theo chính niệm, tư tưởng Phật giáo thì không nên mắc phải và có khi không thể mắc phải.

2.2.4. Từ, Bi, Hỷ, Xả trong tình yêu

Khi ta là Phật tử phải học được tình yêu chân thật, chân chính, trong sáng nó phải chứa đựng  bốn yếu tố gọi là Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, bi, hỷ, xả.

-“Từ” (慈) là khả năng ban tặng niềm vui, lòng yêu thương từ trái tim, đem lại hạnh phúc. Mình phải có hạnh phúc khi đi chơi không thôi cũng có hạnh phúc, ngồi không thôi cũng có hạnh phúc chỉ có ăn cơm cùng mà có hạnh phúc. Không cần phải có sự giao tiếp của hai thân thể nhưng cũng có hạnh phúc…..tức là tình yêu cần có một chất “từ” trong đó. Cũng phải nói thêm rằng việc dâng hiến hạnh phúc cho nhau được xem là nghệ thuật rất cao trong tình yêu.  

– “Bi” (悲) có thể làm cho người đó hết lo lắng hết sợ hãi, làm cho lo lắng tiêu tan.

– “Hỷ” (喜) là làm ta vui cùng người và tình yêu nhất thiết phải vui, không vui không phải là tình yêu đích thưc.

– “Xả” (捨) là không có sự ích kỉ, nhờ quán chiếu mọi sự vật hiện tượng, cũng như tình yêu chấp trước không có cái ngã cố định nên không chấp chặt, xả bỏ cái xấu cái ích kỉ để thu về cái tươi vui đẹp đẽ, tất cả cái gì mình làm tức là không có sự kì thị phân biệt niềm vui là niềm vui chung, khổ đau là khổ đau chung, khổ của người là lỗi khổ của mình. Nếu mình có khó khăn chia sẻ người kia gắng giúp mình, không có danh giới, không có sự lợi dụng, phải có tương lai chung, nếu mỗi người chỉ lo thỏa mãn cái riêng của mình thì tình yêu không có cái xả. Nếu nhìn tổng thể mà không có bốn yếu tố tứ vô lượng tâm đó thì không phải là tình yêu chân chính trong sáng mà đó là tình yêu vụ lợi. Chúng ta hãy lắng tâm một chút để soi vào mình và người mình thương yêu, nếu có hội đủ của chất “từ-bi-hỷ-xả” ta hãy tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc, nếu có chút ít ta hãy nuôi dưỡng nó lớn lên dần, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi.

Những người đang yêu và sẽ yêu họ thường hay liên tưởng sống dựa theo luật nhân quả, nhân quả ba đời, họ nghĩ rằng gieo nhân nào thì được quả ấy, vì lý duyên sinh trùng trùng duyên khởi, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, nên tình yêu nam nữ họ gieo nhân yêu thương thì họ được quả yêu thương hạnh phúc, họ gieo nhân ích kỷ, đố kỵ họ bị quả báo hạnh phúc không bền. Với ai muốn có bình an hạnh phúc họ gắng thường làm việc lành, chế tác lòng từ bi như Kinh Pháp Cú, Phật dạy:

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình”[15].

Hình ảnh minh họa 6

          Trong nhà Phật thường xem công thức nhận diện sự liên hệ giữa con người với vũ trụ, cũng như tình yêu như: 6 căn[2] tiếp xúc với 6 trần[3] sinh ra 6 thức[4]. Ví dụ mắt (Nhãn) của người nam trẻ tuổi thấy hình dáng của cô gái trẻ, xinh đẹp (sắc) sinh ra cái thấy của con mắt về cô gái đó. Khi người nam  ấy thấy hình dáng cô gái ấy đẹp, nhưng anh tĩnh tâm sực nhớ rằng mình đã có gia đình, có vợ, có con hơn nữa là người sống có văn hóa, đạo đức. Do vậy không nên nói dối, không tham lam, không giận hờn, không si mê dục vọng, gây đau khổ cho cô gái ấy. Như thế là đã suy nghĩ phân tích đúng đắn hành động, lời nói hợp lý, hợp tình, đem lại an vui cho mọi người.

Có thể nói, nhờ vào sự vun đắp, chăm sóc, tưới tẩm, cần mẫn hàng ngày bằng công thức nhận diện, bằng Tứ vô lượng tâm, bốn loại tình cảm càng ngày càng lớn có tương lai, không có biên giới, tình yêu không có bờ mé càng lúc càng hạnh phúc càng ngày càng đậm sâu.

  1. Kết luận

Qua bài viết tác giả muốn gửi gắm một cách nhìn hoàn toàn không  mới về tình yêu nam nữ, nhưng phần nào thấy được cách tiếp cận đi từ những lát cắt nhỏ nhánh của vấn đề và rồi thấy được tính tổng thể bao quát, sâu chuỗi logic chặt chẽ của cách nhìn nhận về tình yêu. Thông qua đây, ta tìm thấy cơ sở khoa học về tình yêu lứa đôi và từ ấy người đọc dần dần thẩm thấu một tư tưởng Phật giáo uyên thâm để ứng dụng vào tình yêu nam nữ trong giới trẻ Việt Nam hiện nay. Từ đó phần nào giúp giới trẻ có hướng tiếp cận đúng đắn trên con đường đi tìm nửa kia của mình. Ta xác định được phương tiện để đi trên con đường tình này không phải chỉ bằng những lời nói có cánh, hay chỉ là cái nhìn sâu thẳm mà xuất phát từ trái tim chân thành và rồi học cách chăm sóc yêu thương trong chính niệm.

Trong thế giới muôn màu, để tồn tại phát triển, ai cũng phải sửa thân sửa tâm tích đức, trong tình yêu cũng có lúc thăng trầm, lúc hạnh phúc, lúc không hạnh phúc. Khi ấy ta cần quán chiếu thực tính của phiền não – khổ đau – không như ý bản chất hình tướng chúng là không cố định, thực thể của chúng là luôn thanh tịnh màu nhiệm, ta không cố chấp vào hình tướng chúng, ta nhìn nhận bằng con mắt trí tuệ, sự hiểu biết ta sẽ thấy được nhờ bùn mà có hoa sen đẹp rực rỡ thơm nồng.

Trong bất cứ thời đại nào cũng vậy để có mối tình vĩnh cửu với thời gian, bền chặt lớn dần để đi đến hôn nhân thì mối tình đó đương nhiên phải có chất “từ – bi – hỷ -xả” trong văn hóa tình yêu… Khi hội đủ những yếu tố đó,nó tạo nên những giá trị của hạnh phúc, góp phần xây dựng cuộc sống hôn nhân gia đình và hình thành nên hạnh phúc của cả một xã hội, một thời đại.

Giống như một niềm tin mãnh liệt, một tình yêu sâu lắng, một con tim từ bi và trí tuệ vô lượng, biết mọi thứ do duyên sinh, mọi thứ do duyên diệt, mọi sự như trong thiền định diễn ra, thật là vi diệu. Lúc đó con tim ta sẽ biết cảm thông, biết tha thứ, biết chia sẻ, biết chịu đựng, biết đợi biết chờ, biết cho nhau những nghị lực để xây thành lâu đài hạnh phúc trong cả thời chiến cũng như trong thời bình giống như những vần thơ được bộc bạch trong này vậy:

Mùa hạ về mỗi độ

Lòng em lại xốn xang

Vì một điều đã cũ

Muốn đón hương sen hồng

 

Mùa hạ về mỗi độ

Em bối rối lòng mình

Vì xa anh nơi ấy

Nhớ anh bởi bóng hình

 

Bông hồng tươi sắc đỏ

Tặng em ở quê hương

Mong em mãi một lòng

Sắc son nơi tiền phương./.

***

Tài liệu tham khảo 

  1. Webster. H, (1921). World history. Boston: D.C. Heath, Page 27
  2.  http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/
  3. http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ACnh_y%C3%AAu
  4. http://khoahoc.tv/timkiem/h%E1%BB%8Dc+thuy%E1%BA%BFt+Darwin/index.aspx
  5. http://vnexpress.net/tin-tuc/mot cach nhin ve su chung thuy trong tinh yeu
  6. http://alobacsi.com/Tags/Norepinephrine.htm
  7.  http :vi.wikipedia.org/wiki/Thị_giác
  8. http:vi.wikipedia.org/wiki/xúc_giác
  9. http:vi.wikipedia.org/wiki/Thính_giác
  10. Daniel Schacter, Daniel Gilbert, Daniel Wegner (2011), “Sensation and Perception”, Psychology, Worth Publishers. tr. 166
  11. http://www.phattuvietnam.net/doisong/nghethuatsong/15421-ch%C3%ADnh-ni%E1%BB%87m-cho-t%C3%ACnh-y%C3%AAu.htm
  12.  http://m.suckhoedoisong.vn/su-tinh-te-cua-vi-giac-n59145.html
  13. Đại từ Điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa Thông Tin, 1999, tr.1650
  14. Từ Điển Hán Việt, Thiều Chửu chủ biên, Nxb HKXH, 2004.
  15. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu Bộ, tập I, Kinh Pháp Cú, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, 1999, phẩm Song Yếu
  16. Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nxb Văn học, 2004
  17. http://tapchivan.com/tin-ly-luan-van-nghe-dien-minh-binh-bai-tho-yeu-cua-xuan-dieu-936.htm
  18. Phật Học Phổ Thông (Thích Thiện Hoa chủ biên), Nxb Tôn giáo, 1999
  19. Đại Tạng Kinh, Trường Bộ II, Kinh Phật Giáo Thọ Thi La Ca Việt, Phân viện nghiên cứu Phật học ấn hành, 1991.   
  20.         Kinh Tăng Chi, phẩm thứ nhất, NXB Tôn Giáo, 1999                                                     

[1] Họ tên đầy đủ của Xuân Diệu là Ngô Xuân Diệu

[2] 6 căn gồm: Nhãn, nhĩ, tỵ thiệt, thân, ý căn

[3] 6 trần gồm: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp

[4] 6 thức gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức

Đăng bởi: Phúc Trí

Bài viết khác