Lược sử Chùa Bà Đá – Hà Nội

Lược sử Chùa Bà Đá (Linh Quang Tự)
A. Vài nét về Chùa Bà Đá.

Chúng ta tới thủ đô Hà Nội yêu dấu, lui tới thăm quan mọi nơi mọi chốn văn hoá tâm linh màu nhiệm, chắc không thể quên ngôi chùa cổ Chùa Bà Đá nhiều kỷ niệm, giá trị văn hoá tâm linh, như viên Ngọc quý của trái tim thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chùa Bà Đá số 3 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Là Trụ sở Thành Hội Phật giáo Hà Nội.

Trước nơi này gọi là thôn Tiên Thị, lại gọi thôn Tự Tháp hay Hương Nghĩa, phường Báo Thiên, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phùng Thiên kinh Đô Thăng Long. Trong một tấm bia của chùa lại ghi: “thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Hà Nội”.

Theo những bia bảng, truyền Phả và Khoa giáo lưu truyền chùa này khởi đầu gọi là Chùa Sùng Khánh, khai sáng từ năm Bính Thân (1056) niên hiệu Long Thụy, Thái Bình năm thứ 3 đời Lý Thánh Tông. Trong khoảng thời gian niên hiệu Hồng Đức năm 1470 (Canh Dần) – 1498 (Mậu Ngọ), đời Vua Lê Thánh Tông, chùa chỉ còn là một nơi am tranh, khi nhân dân khai móng xây chùa bỗng thấy một pho tượng bằng đá hình dáng phụ nữ, dân chúng cho là Thánh giáng liền thiết lập lên thờ (pho tượng này sau bị mai một).

Đến thời kỳ cuối đời Lê – Trịnh (Hiển Tông Trịnh Sâm 1767 – 1782) khi đào đất xây tường làm lại chùa, hễ bức tường xây lên lại bị đổ, đào sâu xuống thì thấy pho tượng đá xuất hiện ra, như vậy người ta cho rằng tượng này linh thiêng. Sau khi hoàn thành công việc tu tạo thờ phụng, thập phương kéo đến lễ bái rất đông đúc, từ đấy có tên gọi là Chùa Bà Đá.

Năm Cảnh Thịnh Nguyên Niên Quý Sửu (1793), Hoà thượng Khoan Giai từ Sơn Môn Hồng Phúc về chứng cảnh, xây lại chùa tố hảo hơn trước, đổi hiệu chùa thành Linh Quang Tự.

Đạo mạch của chùa này được cả hai phái Tào Động và Lâm Tế hoằng truyền, trải qua bảy đời Tổ Sư (1793- 1968), còn lịch đại Tổ Sư từ trước đời Hoà thượng  Khoan Giai không thấy nói đến.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở của Cách Mạng, Tăng ni, Phật tử góp phần vào nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm như: vận động ủng hộ chiến sĩ mùa Đông.v.v…Cách Mạng Tháng Tám thành công, chùa được vinh dự tiếp đón Hồ Chủ Tịch đến thăm và dự lễ cầu siêu cho các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc.

Ngày 05/01/1946, Chùa lại được Bác đến lần thứ 2. Lần này người căn dặn Tăng ni, Phật tử: “Việc Phật không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các công việc cách mạng nhiều hơn nữa…”.

Sau ngày Giải phóng thủ đô, chùa được xếp hạng Di Tích Lịch Sử và là Trụ sở Thành hội Phật giáo Hà Nội. Hiện nay, chùa trực thuộc Ban thường trực Phật giáo Hà Nội chủ quản.

Người trước để lại bốn câu thơ:

“ Chùa Linh Quang giữa Thăng Long

Đạo mầu ẩn hiện Sắc Không diệu huyền

Nền xưa ghi dấu Báo Thiên

Hồ Gươm rực rỡ cảnh chiền nguy nga” (Trích: Văn bia Của Ban Thường trực Phật giáo Hà Nội)

B. Các Đời Tổ từng trụ trì Chùa Bà Đá:

  1. Linh Quang Đệ Nhất Tổ : sư tổ pháp danh Thiện Chúng, đạo hiệu Khoan Giai thiền sư, người hương Đống Nguyên, Huyện Thượng Phúc, Tỉnh Hà Đông. Khoảng năm Quý Sửu 1793, tín đồ Khoan Lượng thỉnh Khoan Giai thiền sư về trụ trì chùa. Thời gian trôi qua đã 30 năm, ngày mùng 4 tháng chạp năm Tân Tỵ niên hiệu Minh Mạng thứ 2 (1821), sư tổ an nhiên thị tịch, trụ thế 80 năm, trụ trì chùa Bà Đá được 29 năm. Tháp xây tại bản chùa, sau di xá lợi sang tháp Phổ Đồng lục lăng ở phía trước bên trái chùa Liên Phái.
  2. Linh Quang Đệ Nhị Tổ: hiệu là Giác Vượng Thiền Sư còn gọi là hòa thượng Giác Viên, pháp danh Từ Tạng, quê hương Văn Tự huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Đông, từ nhỏ đã đến chùa Linh Quang xin học với tổ đệ nhất. Một hôm nghe tiếng sư tổ Từ Niệm chùa Hoa Lâm (Khê Hồi,Thường Tín, Hà Tây), sau 15 năm nghe giới pháp của phái Trúc Lâm lại trở về chùa hầu sơ tổ. Nhị tổ kế đăng trụ trì năm 1821, kế thừa cả 2 phái Tào Động, Lâm Tế. Từ đó trùng tu tân tạo tự vũ, tân tạo tượng Phật, Bồ Tát, Thánh tăng, y môn, cửa võng… nhập thất cho hơn 30 người, tăng ni dự pháp hội được giáo hóa vô số. Sinh thời Ngài trùng tu 7 đại danh lam: Chùa Bà Đá, Chùa Triệu Khánh, chùa Ngũ Nhạc, chùa Hộ Quốc, chùa Khuyến Lương, chùa Vũ Thạch (năm 1857). Nhị tổ viên tịch ngày 25 tháng 2 năm Canh Thân niên hiệu Tự Đức thứ 10 (1850) trụ thế 80 năm, kế đăng trụ trì 40 năm, có hơn 30 pháp tử. Di thể được hỏa thiêu duy có gốc lưỡi là còn nguyên, dân 8 xã mang cờ xí đến rước xá lợi, sơn môn xây tháp thờ mỗi nơi một tòa, xá lợi an trí tại tháp bên phải trước chùa Liên Phái.
  3. Linh Quang Đệ Tam Tổ: pháp danh Phổ Sĩ hiệu Từ Tuyên thiền sư, quê xã An cốc huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Đông, họ Phạm.
  4. Linh Quang Đệ Tứ Tổ: pháp danh Thông Toàn,hiệu Thuần Hiệp. Tứ tổ kế đăng năm 1866 đến ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị (1917) thì viên tịch, trụ thế 72 năm, trụ trì 52 năm. Nhục thân an trí ở Vĩnh Quang tháp, hiệu Thích Minh thiền sư.
  5. Linh Quang Đệ Ngũ Tổ: pháp danh Tâm Hoãn, quê Bá Khê, Văn Giang, Hưng Yên. Trụ trì chùa từ năm 1917 đến ngày 2/9 năm Nhâm Tuất 1922 thì viên tịch, trụ thế 56 năm, trụ trì được gần 6 năm.
  6. Linh Quang Đệ Lục Trụ trì: Pháp danh Thích Tâm Thịnh, hiệu Vô Trụ Thiền Sư
  7. Linh Quang Đệ Thất Trụ trì: Hộ Quốc Sa Môn Tăng Cang Thích Tâm Hỷ (Thích Thanh Thao) thế danh Đỗ Văn Hỷ (1890-1968) trụ trì đến năm 1968.
  8. Trụ Trì đời thứ 8: Hòa Thượng Thích Thanh Doãn hay còn gọi Tâm Cương (đệ tử tổ Tâm Hỷ, sau viên tịch tại chùa Ngâu Hà Nội), sư sinh năm 1912 tại Nam Định, xuất gia năm 1919, đến năm 1922 lên Hà Nội, làm đệ tử của HT Thích Thanh Lễ chùa Yên Ngưu, năm 1929 tổ Thanh Lễ viên tịch, sư y theo tổ Thanh Thao Tâm Hỷ chùa Bà Đá và thụ giới tỷ khiêu (kheo) năm 1932, năm 1956 sư được tổ Tâm Hỷ giao trông coi chùa Bà đá, đến năm 1968 thì chính thức kế đăng trụ trì đời thứ 8, đến năm 1979 sư từ nhiệm và giao chùa Bà Đá cho Thành hội Phật giáo Hà Nội khi đó. Sư viên tịch tháng 1 năm 2013 trụ thế 101 năm tại chùa Yên Ngưu, Thanh Trì, Hà Nội.
  9. Trụ Trì đời thứ 9: Hòa Thượng Thích Thanh Thành (viên tịch năm 2009 tại chùa Vẽ Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội).

C. Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hà Nội của các thời kỳ:

Chùa Bà Đá từ năm 1958 đã trở thành Ban đại diện Phật giáo thủ đô và sau đó là Văn phòng 1 của Thành hội PG Hà Nội với các đời lãnh đạo như:

  • Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993), đệ nhất Pháp Chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1958…
  • Hòa Thượng Thích Quảng Dung (sơn môn Đa Bảo), phó hội trưởng hội Phật giáo thống nhất, trưởng ban trị sự đến 1/1981 thì viên tịch.
  • Hòa Thượng Thích Nguyên Sinh, Chánh Thư Ký Hội Đồng Chứng Minh, trưởng ban trị sự từ 1/1981 đến tháng 10/1983 thì viên tịch.
  • Hoà thượng Thích Tâm Tịch (1915-2005), Pháp chủ đệ nhị, Trưởng Ban trị sự Thành hội PG Hà Nội từ năm 1983 đến năm 2002.
  • Hoà Thượng Thích Thanh Chỉnh (1919-2009), phó thư ký hội đồng chứng minh, trưởng ban trị sự thành hội PG Hà Nội, trụ trì từ 2002-2008.
  • Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm (1956), Đại biểu quốc hội, Trưởng ban hoằng pháp TW GHPG Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban trị Phật Giáo TP Hà Nội từ 2008 đến nay.

D. Một số hoành phi, câu đối đặc sắc chùa Bà Đá.

Đặc sắc câu đối chùa Bà Đá

Các hoành phi, câu đối Trong Tam Bảo

+ hoành phi, câu đối trong Chính Điện:

  • Hoành phi: Như Lai thường trụ.
  • Câu đối: Tứ trí viên minh ẩn ẩn thường  cư ( ?) tàng giới nội tứ sinh thị hiện độ sinh. Tam thân cụ túc nguy nguy sinh (đoạn) niết bàn thành ứng tam thế tuỳ duyên tế thế.
  • Thánh chúng trung vương. Chư Phật đồng tán ngưỡng liên hoa đài tạng đại từ tôn. Chúng thánh cộng suy tôn cực lạc tịnh bang chân giáo chủ.
  • Y Chính trang nghiêm. Bạch ngũ hào quang chiếu diệu Tây phương thuỳ thủ dẫn mê đồ. Hoàng kim sắc tướng trang nghiêm đông độ… tuệ nhật.
  • Pháp âm phổ bị. Tứ thập cửu xuân thu thuyết pháp khai quyền hiển thực thánh trung vương. Thiên bách ức thế giới hoá thân chiếu ám đạo mê thiên thượng nhật.
  • Thanh
  • Tịnh
  • Linh Quang tự. Tuệ nhãn đại viên minh cùng tận nhất thừa tinh tứ trí. Hành môn chân cứu kính cao siêu thập thánh dữ tam hiền.
  • Thiên nhân sư.
  • Phúc Thành khắc (?). Đa văn đệ nhất tổng trì pháp tạng lợi quần sinh.
  • Khí cao ngân hán. Nhất phái phi (….) thân bình đẳng bất dung tình.
  • Hàm triêm cam lộ. Bảo sở trang thành uyển nhược long cung hải tạng. (Thích …như lai giáng …nhị thiên cửu bách ngũ thập ngũ niên Mậu Thìn).
  • Đại hùng đại giác.
  • Từ vân biến phú.
  • Như Lai Sứ.
  • Quy y bất lạc.
  • (Dư) đoạt duy pháp
  • Phật nhật trường minh. …dân khang kỳ vật phụ tịnh nội hà tráng cố (bình) thu.
  • Uy túc phong vân. Hoằng thệ vô biên bảo hộ tăng lam xưng chúa tể. Lô trung ?? ngũ phần hương thuỵ khí nhân uân đằng vũ trụ.

Câu đối đồng trụ Tam Bảo:

  • Thiền thiên tuệ nhật cửu châu cộng ngưỡng ân quang. Tịnh độ từ vân tam hữu quân mông phúc ấm.
  • Phật nhật tăng huy độ quần sinh ly lục đạo. Pháp luân thường chuyển hằng biến phú ư thập phương.
  • Pháp thân tịch tịch siêu tượng ngoại dĩ cao tiêu. Phật đức nguy nguy đĩnh vật biểu nhi thường trụ.

Câu đối, hoành phi nhà Tổ:

  • Nhân hoằng khôn tải. …đồng nhị nguyệt dĩ trường minh. Vạn cổ linh thanh hiển hách dữ nùng Sơn nhi tịnh trĩ.
  • Phật tâm minh tông. Tâm hoa hiển phát bá thần châu. Nhãn tạng mật truyền lưu Ấn Độ.
  • Hành giải tương ưng. Hoè môn song quế thụ ức niên hương hỏa cổ huyền phong. (Hiện tiền hội hạ đồng tăng chúng bái phụng). Thánh thuỵ nhất đàm môn ngũ diệp lưu phương quang Tổ Ấn.
  • La Hán ứng cúng.
  • Phật pháp tăng.
  • Thường lạc ngã tịnh.

Câu đối đồng trụ nhà Tổ:

  • Thiện tâm huyền diệu hoằng dương đức hỉ xả nguyện dân an. Tịnh độ từ vân tam hữu quân mông phúc ấm.
  • Nhị Hà đương độ thủy trừng giác ngạn xưởng huyền môn. Nùng lĩnh phi bình hoa kế thiền lâm khai thắng ?.
  • Vận lâm cách đỉnh phạm đài mỹ hoán trạng huy phi. Tuế trực giáp canh phúc chỉ tăng long quang nhật lệ.

E. Tóm lại, Chùa Bà Đá (Linh Quang Tự) là ngôi chùa cổ, kiến trúc cả chùa theo kiểu đặc biệt, tinh tế, như: Tam Bảo theo kiểu “hình chữ nhất cả chữ đinh”, đã được tu sửa lại rất cẩn thận thiêng liêng, ấm cúng. Chùa là nơi tu tập, là nơi làm việc của Ban trị sự Phật giáo Hà Nội, nơi chư Tăng ni về an cư mỗi khi hè về. Du khách, Phật tử  trong nước và quốc tế tới thăm lễ chùa đều nhất tâm, hoan hỷ trong tâm thức.

Bài này tác giả viết tham khảo khá nhiều tài liệu nhưng chắc không sao tránh khỏi những khiếm khuyết, ngưỡng mong các bậc cao minh, bạn đọc đại xá, góp ý để bài viết sau tốt thêm, Linh Quang thường sáng tỏ, Bà Đá mãi rạng ngời.

Nhân dịp an cư kết hạ năm 2023, Phật lịch 2567, tác giả kính chúc chư Tôn Đức Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc, mọi người mạnh khỏe, an lạc dưới ánh hào Quang của mười phương Tam Bảo. Tác giả xin mượn bài kệ của Đức Phật trong Kinh để tạm khép lại bài viết này:

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo”.

 



T/g: Quảng Hợp; Ảnh: Văn Thành.

Ghi chú: Toàn bộ ảnh trong bài được chụp trong mùa an cư năm 2023.

Tài liệu Tham khảo:

  1. https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%A0_%C4%90%C3%A1
  2. Văn giới thiệu Lược sử Chùa Bà Đá của Ban Đại  diện Phật Giáo Hà Nội.
Bài viết khác