NGUỒN GỐC Ý NGHĨA NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ MÙNG 5 THÁNG 5

Tết Đoan Ngọ là cái Tết chung của một số nước Phương Đông. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn mang những ý nghĩa khác biệt.

Hằng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch) nhân dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ. Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Đây là một ngày Tết truyền thống dựa trên văn hóa – tín ngưỡng dân gian Phương Đông nhằm đánh dấu một giai đoạn mới mở đầu cho những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa cuộc sống thuận lợi. Trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường có những tục lệ khác nhau như: Tục diệt sâu bọ, Tục nhuộm móng chân – móng tay, Tục tắm nước lá mùi, Tục khảo cây lấy quả, Tục hái thuốc vào giờ Ngọ… Vậy ngày Têt Đoan Ngọ có lịch sử như thế nào?

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

NguyênTruyền thuyết về lịch sử ngày mùng 5 tháng 5 được lưu truyền khác nhau ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại Trung Quốc với truyền thuyết Khuất: Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, người dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Truyền thuyết Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam : Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi bằng tên gọi khác là tết Giết Sâu Bọ. Đây là một trong những ngày lễ tết truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Việt Nam hay Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có tết Đoan Ngọ. Vì vậy, tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quy luật  tuần hoàn của thiên nhiên, thời tiết trong năm. Có nhiều truyền thuyết của nhiều nước về Tết Đoan Ngọ. Nước ta có tích truyện như sau: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì được mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, rượu nếp sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ hàng đàn té ngã. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng hôm này cứ làm theo những gì ta dặn sẽ trị được chúng.  Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã biến mất. Để tưởng nhớ việc lời dặn của ông, dân tình đặt tên ngày này là “Tết giết sâu bọ” hay “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý Nghĩa Tết Đoan Ngọ: Người Việt Nam gọi gọi tết Đoan Ngọ là “Tết giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Hiện nay, ở một số làng quê Việt vẫn còn giữ phong tục đẹp này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái tết sum vầy đầm ấm và có nhiều tục lệ gắn bó với đời sống của người dân. Vào thời điểm này, một số cây trái bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu. Vì thế hoa quả là vật phẩm cúng tế không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Dân gian quan niệm rằng; đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm kết trái và cúng tổ tiên để mong cầu một mùa bội thu. Sau lễ cúng là tục lệ giết sâu bọ, cả nhà ngồi quây quần ăn những thứ quả chua như vải, mận, xoài, rượu nếp…. với mong cầu diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật.

Một số phong tục trong ngày Tết Đoan Ngọ: Theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây có hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt. Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà… những em bé chưa biết đi thì được lấy ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ nêu trên đã dần phai nhạt dần theo thời gian, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tự đi hái lá thuốc. Nơi phố phường, thành thị, không nhiều vườn tược, cỏ cây nên người dân có lệ đi mua lá thuốc mùng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ thành từng loại riêng, người đi chợchọn lấy những lá có mùi ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mùng 5 lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình dùng khi nhà có người đau ốm.

Món ăn trong ngày tết Đoan Ngọ :Theo phong tục, truyền thống của từng vùng miền, vào ngày này, những trái cây, món ăn cũng khác nhau. Ở miền Bắc, ngày này các gia đình thường làm các món từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt (nhưng những năm gần đây, sau khi có dịch cúm gia cầm thì người ta hạn chế ăn). Nhưng dường như các chợ ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống. Ngoài ra, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món ăn không thể thiếu trong ngày này ở miền Bắc. Họ cho rằng bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy chỉ có ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, chúng ta có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp có thể loại bỏ chúng. Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thường rất hiệu nghiệm.

Tại mỗi nước khác nhau những tục lệ và nghi thức cho ngày Tết Đoan Ngọ lại khác nhau nhưng ý nghĩa của ngày này vẫn mãi có giá trị đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Mỗilần nhắc lại là một lần mới, như nhắc nhở thế hệ sau cần tôn trọng và bảo lưu giữ gìn những truyền thống quý giá của dân tộc. Tuy nhiên trước tình hình dịch Co vid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại Bắc Ninh và một số tỉnh khác, để người dân đón thưởng thức tết Đoan Ngọ thật ý nghĩa, giết sâu bọ tâm khỏe tâm sáng, nhẹ nhàng thư thái thì mỗi người dân phải tuân thủ 5k của Bộ y tế, không tập trung đông người đi bẻ lá, hoa quảCuối cùng xin chúc quý vị luôn bình an, mỗi người có một Tết Đoan Ngọ vui vẻ, gia đình hạnh phúc.

Tác giả: Lý Thị Thảo – GV Trung tâm GDNN- GDTX Gia Bình.

                               ***

Tài liệu tham khảo

1.Tết Đoan Ngọ trong văn hóa Việt Nam – Ban tôn giáo Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

2.https://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/tet-doan-ngo-mung-5-5-am-lich-su-tich-va-tuc-le-nguoi-viet-n20200625070143536.htm

3.http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/mon-an-hue-duoi-goc-do-y-duoc-hoc-2257428.html

4.https://thanhnien.vn/doi-song/tet-doan-ngo-mung-55-nguon-goc-tu-dau-nguoi-viet-lam-gi-ngay-diet-sau-bo-1243108.html

Bài viết khác