MẤY NÉT VỀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ VỀ VẤN ĐỀ ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

Đại đức Tiến sĩ Thích Quảng Hợp[1]

Tóm tắt

Tại sao tác giả lại đặt vấn đề viết bài về nội dung: “Mấy nét về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử về vấn đề đạo pháp và dân tộc”?Tại vì vấn đề này đã có nhiều người đề cập đến tuy nhiên chưa hoàn hảo, mà cuộc đời thì luôn biến đổi, để nắm bắt được cuộc đời, để thỏa mãn lòng người, để cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam ngày nay ổn định phát triển bền vững. Chúng ta cần nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nghiêm túc đối với vấn đề đạo pháp và dân tộc, không hoàn hảo, chí ít cũng góp phần cốt lõi về thiền học, đúng đắn, như tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: “phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc” của Trần Nhân Tông góp phần vào nhận thức tâm thanh tịnh tức quốc độ tịnh, đúng đắn về đạo về đời, tăng niềm tin, giữ chữ tín, đoàn kết dân tộc, bảo vệ quê hương,với tứ vô lượng tâm, thực hành đạo pháp vi diệu, lan tỏa góp phần bảo vệ xã tắc an bình, thịnh vượng. Bài viết này, tác giả xin viết gồm  các ý sau: 1. Sự hình thành về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; 2. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với vấn đề đạo pháp và dân tộc; Kết luận.

  1. Sự hình thành về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Kính thưa Quý vị!

Như chúng ta đã biết, theo cuốn sách Các Triều Đại Việt Nam của tác giả Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Nhà xuất bản thanh niên xuất bản năm 2007 cho hay, nước Việt Nam ta tính từ thời Hồng Bàng nước ta gọi là Văn Lang đã cách nay hơn 2879 năm về trước. Theo sách Đại Cương Triết Học Phật giáo Việt Nam của tác giả Nguyễn Hùng Hậu (Minh Không) nhà xuất bản khoa học xã hội, xuất bản năm 2002 cho biết, sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam cho đến nay có nhiều ý kiến khác nhau. Câu chuyện huyền thoại liên quan đến sự có mặt sớm nhất của Phật giáo ở nước ta là: “Truyện nhất dạ trạch” trong “Lĩnh Nam trích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú.Truyện kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 3 ở ngoài biển có núi Quỳnh Viên trên núi có cái am nhỏ và có một tiểu tăng tên là Ngưỡng Quang (Phật Quang) truyền phép cho Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử trở về giảng lại đạo Phật, Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo…Phật giáo vào nước ta khoảng cuối thế kỷ VI Tr CN đến đầu thế kỷ thứ V tr CN. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết[2]. Bởi do, đó là truyền thuyết nên đạo vừa cảm giác sâu thẳm, mầu nhiệm, cần phải nghiên cứu nghiêm túc để thấy cái huyền diệu thâm thúy, như nguồn nước thanh lương nơi biển khơi vô tận, cần khai thác để phục vụ đạo pháp và dân tộc.  Trải qua một thời gian lịch sử của đất nước bị giặc ngoại xâm, tốn bao nhiêu giấy mực mới có thể bàn rõ về đất nước Việt Nam ta ngàn năm lịch sử dựng nước giữ nước. Để lịch sử Việt Nam ta, dân tộc ta ổn định và phát triển vững vàng, xứng đáng với các cường quốc năm châu thì cần phải có tôn giáo chính thống. Vì tôn giáo như là cốt tủy của dân tộc, viên thuốc thần không thể thiếu trong đời sống của con người Việt Nam, tôn giáo đó là tôn giáo tinh thần: tín ngưỡng dân tộc, tín ngưỡng ngoại lai, Đạo Phật, đạo Lão, Đạo Khổng…

Trong bài viết này, tác giả bàn luận tới sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam là sự kế thừa các thiền phái đi trước (điển hình là ba dòng Thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi; Vô Ngôn Thông và Thảo Đường) có đóng góp mạnh mẽ đối với đạo pháp và dân tộc Việt Nam hiện nay. Lẽ dĩ nhiên ở đây, ai đã từng nghiên cứu về Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử thì ít nhiều cũng đã hiểu: Đạo Phật xuất hiện cần phải kể tới người khai sáng là Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái Tử Tất Đạt Đa, lập gia đình, đi tu, giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề bên Ấn Độ, giảng kinh thuyết pháp độ chúng sinh hiểu lẽ vô thường, thấy rõ chân không diệu hữu, Tính Không để sống với sự tâm thanh tịnh, gọi là giác ngộ giải thoát tâm, Tâm là Phật, Phật tức vô tướng. Sự vô tướng ấy lan tỏa ra bốn phương trong đó có Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ đó mà hình thành.

 Như theo sách Thiền sư Việt Nam của Thiền sư Thích Thanh Từ, Nhà xuất bản Hồng Đức năm 2020 cho biết. Người khai sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử (竹林安子禪派) cần phải kể tới công đầu là Sơ tổ phái Trúc Lâm – Vua Trần Nhân Tông (陳 仁 宗: 1258- 1308), Ngài tên húy là Khâm (Ngài là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng Thái hậu, năm 16 tuổi ngài được lập làm Hoàng thái tử, từ nhỏ ngài đã say mê thiền học, học thiền chứng về Tâm Tông ở Tuệ Trung Thượng Sĩ, ngài rất kính lễ Tuệ Trung Thượng sĩ như bậc Thầy. Như là: “Con người ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời)”[3]

Mỗi chúng ta nhìn ảnh tượng vua Phật hoàng Trần Nhân Tông trên ta lại bộn rộn kính nhớ Ngài, trọng Ngài một đời vì nước vì đạo, lại nhắc ta một đời tinh tiến tu hành theo gương Ngài, gương Phật, nhớ về nguồn xưa, theo câu: “Trăm năm tích đức tu hành. Chưa về Yên Tử chưa đành quả tu”.

 Năm Trần Nhân Tông lên 21 tuổi thì được lên ngôi hoàng đế năm 1279. Trong khi lên ngôi, ngài giữ nước bảo vệ dân tộc Đại Việt, khi thanh bình ngài không quên thiền học, đặc biệt Ngài đã nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông năm 1293, sau một vài năm hướng dẫn Vua Trần Anh Tông vững vàng việc điều hành đất nước, ngài chu du khắp thiên hạ, học hỏi đạo Phật, thăm xem dân chúng, đến tháng 8 năm 1299 ngài đã xuất gia lên núi Yên Tử và thiết lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, mang đậm sắc thái Việt Nam. Sự kế thừa Thiền phái trúc Lâm Yên Tử, cần kể tới các đệ tử như Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang bậc kỳ tài. Thì bài viết này chúng ta cần nghiên cứu để thấy rõ tầm quan trọng của sự hình thành và đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với đạo pháp và dân tộc Việt Nam hiện nay.

Bài viết này sử dụng một số phương pháp như: Chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích, giả thiết, quy nạp, móc xích, thiền học…

  1. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với vấn đề đạo pháp và dân tộc

Thiền học có từ thời Phật Thích Ca lan vào Việt Nam nhờ các đệ tử Phật, cho tới thời Trần, Người làm vua đầu là Trần Thái Tông (1218 – 1277) tức Trần Cảnh[4] quê hương Tức Mặc phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định) đã học đạo lĩnh ý chỉ về Thiền, vua chỉ muốn cầu làm Phật, không muốn tìm gì khác. Thiền sư Trúc Lâm (có lẽ là Đạo Viên) ở Núi Yên Tử trả lời: “ Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài”. (Bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam). Người manh nha tiếp cận thiền không thể quên công của ông vua Trần Thái Tông, để có một Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử thành lập thì cần phải nhắc tới Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

 


Phật hoàng Trần Nhân Tông – Ảnh: Internet

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được Trần Nhân Tông sáng lập nhưng theo tài liệu nào ghi rõ thì cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên về sự tướng của thời gian và tài liệu nào chưa rõ nhưng thực thể vô tướng của tài liệu thì vốn bất sinh và bất diệt. Có người hỏi: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nghĩa là gì? Chắc có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng ở đây, thì là Một thiền phái do Trần Nhân Tông tu thiền trên núi Yên Tử, núi Yên Tử là dãy núi cao ở vùng Đông Bắc Việt Nam, theo sử sách ghi chép là nơi “địa linh, phúc địa”, trên núi rừng có nhiều tre trúc tráng lệ, mặt khác, Trúc Lâm là tên hiệu của một Thiền sư Đạo Viên tu tại núi Yên Tử, buổi đầy Vua Trần Thái Tông đã từng tham vấn học đạo, hiểu rõ tông chỉ của thiền “phản quan tự kỷ”, người học đạo thiền cần soi chiếu tâm mình để tĩnh lặng rõ vạn pháp vốn không, tức tuệ tự chiếu, tức tâm tức Phật, không cần đi tìm Phật ngoài ta, nên thiền phái có danh xưng như thế (Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử), nếu ngày xưa không viết đủ thì là viết tắt, ngày nay ta viết đủ là như vậy. Có sao đâu, quan trọng là ta cần hiểu về nguồn gốc và tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử đóng góp về vấn đề đạo pháp và dân tộc có tốt hay không mà thôi. Bởi thế nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đánh dấu bước ngoặt lịch sử về vấn đề tạo ra một phái thiền độc lập mang sắc thái riêng biệt của Việt Nam, phái thiền này người sáng lập là Vua đời cũng là vua đạo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nên trách nhiệm luôn xây dựng và chăm lo đạo pháp và dân tộc ổn định, phát triển dài lâu.

  • Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với vấn đề dân tộc

Như chúng ta đã biết, Đức Phật Thích Ca ra đời vì sự nhân duyên khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, khi giác ngộ rồi, an lạc trong tâm thức, biết rõ cuộc đời việc đạo, việc gì nên làm việc gì nên không. Cũng vậy, sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, người có công đầu là sơ Tổ Phái Trúc Lâm- Vua Trần Nhân Tông. Người làm vua là bổn phận và trách nhiệm lo cho dân tộc, mong muốn dân tộc luôn đoàn kết, độc lập, an lạc. Muốn có an lạc, Ngài lại vốn sẵn duyên xưa có sẵn duyên đạo Phật cả khi thức lẫn khi ngủ, mơ thấy bông hoa sen, trong đó có người chỉ sen hỏi Ngài: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật biến chiếu[5]. Từ giấc mơ ấy đem chia sẻ với vua cha khen là việc kỳ đặc, ngài lại càng tin tưởng vào bản thân, tinh tiến tu hành có trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc hơn.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với vấn đề hộ quốc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với triết lý là điển hình mang tử tưởng triết học của Trần Nhân Tông. “Triết học Trần Nhân Tông là tinh thần thực tiễn, chiến đấu và táo bạo[6]. Nhằm trên lập trường thiền định tư tưởng các pháp duyên sinh, duy tâm, tâm thanh tịnh thì thế giới tịnh, Phật tại tâm, nhằm hướng tới tinh thần đoàn kết tạo sức mạnh, vị quốc vị dân, hướng con người tới an lạc trong cuộc đời.

Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại Cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội viết về thời Trần, Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, con người Trần Nhân Tông “không chỉ là nhà quân sự, ngoại giao, ông còn là nhà chính trị có tầm mắt nhìn xa trông rộng, biết hòa quyện chính trị với tư tưởng để phục vụ mục đích dựng nước và giữ nước. Dưới triều đại ông đã có hai Hội nghị lịch sử: Hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than (1282) và Hội nghị các bô lão ở Diên Hồng (1284). Dưới thời ông những lời nói đanh thép vang lên: “sát thát” (giết giặc Nguyên), “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc” (của Trần Bình Trọng)”. “Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu tôi đi đã” (của Trần Quốc Tuấn). Dưới thời ông tinh thần dân tộc lên cao chưa từng thấy[7]. Để hộ quốc được, Thiền hái Trúc Lâm cần phải định hướng rõ ràng, cần tiếp thu sáng tạo những tư tưởng thiền phái đi trước như tư tưởng của ba dòng Thiền sử đã nhắc.

Thiền phái Trúc Lâm về “dĩ dân vi bản”, lấy dân làm gốc. Tư tưởng yêu mến dân. Hòa hợp dân tộc, tôn trọng các tôn giáo. Trung thành với đất nước Đại Việt. Tinh thần đoàn kết không thể tách rời.

Trần Nhân Tông vốn là con trai trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng hậu lên ngôi vua năm 1279 và từng hai lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông giúp giữ vững nền độc lập dân tộc. Ngoài giờ triều chính, ông còn nghiên cứu nội điển, ngoại điển, xem các tư liệu về Phật giáo và thường xuyên mời các vị cao tăng, Thiền sư vào cung để tham vấn đạo pháp. Bên cạnh đó, ông cũng tham học với chú ruột là Tuệ Trung Thượng Sĩ và ngộ được yếu chỉ Thiền tông. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông  và sau đó xuất gia tu hành tại Chùa Khai Phúc thuộc hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Tới năm 1299, Ngài đến núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành theo khổ hạnh và lập ra Thiền phái Trúc Lâm, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Góp phần công đầu mở ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành, Vua Trần Nhân Tông thường hay đi giáo hóa dân chúng tu tập tu theo thập thiện, hướng làm các việc lành tránh xa việc xấu ác, yêu chuộng hòa bình, đánh giặc bảo vệ tổ quốc.

  • Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với vấn đề đạo pháp

Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử do Vua Trần Nhân Tông sáng lập đã khẳng định vị trí đặt vấn đề giáo dục nhân tài làm trọng, người lãnh đạo cần phải có trí tuệ và đạo đức trên lập trường triết lý nhân quả, duyên sinh vô ngã của nhà Phật, nói tâm tức Phật thì cũng cần phải hiểu, Phật là thanh tịnh trong tâm của chính mình, người lãnh đạo thì cần phải hiểu về Phật pháp, vì có Phật pháp thì nhìn mọi sự vật và hiện tượng sẽ uyển chuyển thông thoáng hơn. Đạo pháp càng sâu thẳm thì càng giúp cho con người có sự tư duy thiền định tốt, cẩn thận hơn, không hề chủ quan trong cuộc sống thường nhật. Với tư tưởng của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, người đứng đầu luôn có trách nhiệm mở trường đào tạo, lập chùa, tịnh xá để hướng người tu tập chứng đắc để hướng dẫn đại chúng tu tập, và mở mang đạo pháp sâu rộng hơn. Đạo pháp ở đây là gì? Là một pháp, chỉ cho đạo giác ngộ trong mỗi chúng sinh. Hiểu được đạo pháp bao la, thanh tịnh trong tâm, thì sự hòa hợp, đoàn kết trong đại chúng sẽ tạo ra sức mạnh, hộ quốc an dân, độc lập dân tộc, góp phần hòa bình thế giới. Nhờ mọi người tinh tiến tu tập tăng từ bi và trí tuệ: giúp cho tâm thức nhiều người tăng niềm tin, giữ chữ tín, đoàn kết, tình yêu thương, tứ vô lượng tâm thấy Phật, an vui trong chính tâm ta.

Theo sử, từng nhắc tới Trần Nhân Tông, người như kiếp trước đã tu hành kiếp này tái lai Sa Bà hóa hiện biết Phật Biến Chiếu trong tâm mình, tâm mình thanh tịnh, giản dị thì sẽ có bình an. Để như bao người khác, Trần Nhân Tông thường hay đi tham vấn đạo pháp, chia sẻ cho dân chúng, Ngài có đến trụ trì tại Chùa Phổ Minh, ở phủ Thiên Trường dạy đạo pháp qua phương pháp Thiền trong vòng mấy năm.

Sau Trần Nhân Tông đi vân du khắp nơi, phá bỏ các miếu thờ tà thần, dâm thần và dạy người dân tu theo thập thiện. Thập Thiện là gì? Là mười điều thiện (十善) được thực hiện qua thân (3), khẩu (4) và ý (3). Thập thiện bao gồm: 1. Bất sát sinh (不殺生) không sát sinh; 2. Bất thâu đạo (不偷盜), tức là không trộm cắp, hay nói chính xác hơn: Không nhận đồ vật người không cho; 3. Bất tà dâm ( 不邪婬) không tà dâm; 4. Bất vọng ngữ (不妄語), nghĩa là không dối gạt người, không nói lời không chân thật. phải nói trên sự thật; 5. Bất lưỡng thiệt (不兩舌), không nói lưỡi đôi chiều, trước nói như vậy, sau lưng nói khác; 6. Bất ác khẩu (不惡口), không nói lời hung dữ, văng tục, chửi thề, nói lời độc địa; 7. Bất ỷ ngữ (不綺語), không dùng lời phù phiếm, nói những chuyện không mang lại lợi ích; 8. Bất tham dục (不貪欲): Ý không tham (tham ngũ dục lạc, sắc, danh, lợi, ăn, ngủ); 9. Bất sân khuể (不嗔恚), Ý không sân (sân giận, phẫn nộ, buồn bực, khó chịu, chán nản); 10. Bất tà kiến (不邪見), Ý không si mê (không hiểu biết chân thật, hiểu biết lầm lạc, không tỉnh táo sáng suốt- nghiện ngập, mê ngủ).

Mười điều thiện này ngày xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng dạy cho các đệ tử xuất gia và tại gia cư sĩ tu tập theo mười điều thiện, nếu thân, khẩu và ý của mỗi chúng sinh tu tập gìn giữ được thì trong cuộc sống sẽ gặp được sự an lành trong từng giây phút, một mai khi mất đi sẽ được sinh về cõi lành phụ thuộc vào khi chúng sinh còn sống, tạo tác những việc thiện, trên tinh thần lập trường triết lý nhân quả, duyên sinh, vô ngã. Bởi thế mấy nói mười đều thiện này cũng là căn bản đạo đức của những bậc thánh trong đạo pháp là vậy. Vào mùa Đông năm Giáp Thìn (1304), Vua Anh Tông dâng biểu thỉnh mời Trần Nhân Tông trở lại nội cung và truyền bồ tát giới cho các hoàng thân, quý tộc.

 Sau khi xong việc, Ngài đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn và nỗ lực truyền bá Thiền Tông. Dưới đây là một đoạn công án ghi lại phong cách thuyết pháp của Trần Nhân Tông, rất giống với phong cách thăng tòa thuyết pháp của các Thiền sư Trung Quốc: Mở đầu pháp hội, Trần Nhân Tông lễ Phật, niêm hương báo ân xong bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy, sau khi bạch chùy xong. Ngài nói: “Thích Ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?”. Ngồi giây lâu, là thiện chính niệm, Điều Ngự Giác Hoàng tức Trần Nhân Tông ngâm bài kệ:

Phiên âm

Thân như hô hấp tỹ trung khí,

Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.

Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

Bất thị tầm thường không quá xuân

Dịch nghĩa

Thân như hơi thở ra vào mũi

Đời giống mây trôi đỉnh núi xa,

Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,

Đâu phải tầm thường qua một xuân

Sư gõ Thiền trượng vào pháp tòa một cái rồi nói: Không có gì sao? Ra đây! Ra đây”. Bài Kệ này, cho chúng ta biết rằng, sự tu tập của Trần Nhân Tông đã đạt tới sự giác ngộ về triết lý vô thường, cuộc đời là mong manh, thân người như một hơi thở, thở ra mà không vào được, hay thở vào mà không thở ra được thì đó là một cuộc đời ngắn nhất. Thân con người ngắn ngủi mong manh như gió thổi, mây bay, tiếng chim thoảng qua dưới vầng trăng sáng, cái vô thường mong manh, hay cuộc đời ngắn ngủi, không phải tầm thường, chỉ có con người tinh tiến tu tập mới có thể hiểu được, người thoát được khổ đau là người giác ngộ được vô thường, phải trải qua một xuân hay vô lượng xuân đặc biệt mới lĩnh hội được. Người lĩnh hội được thân vô thường ấy như ở Trần Nhân Tông, người từng là Vua, xả ngôi vua xuất gia làm Điều Ngự Giác Hoàng mà không ai khác.

Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử đã nhắc mỗi chúng ta cần theo tấm gương sáng Trần Nhân Tông để tu tập Thiền tỏ lẽ thiền lại không quên triết lý về Tịnh độ trong lòng. Ngài viết: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc[8]. Tịnh độ có nghĩa là đất, là tâm thanh tịnh không tì vết, khi tâm mỗi chúng sinh giữ được thanh tịnh, quán chiếu được triết lý duyên sinh vô ngã, Tính Không rồi thì chúng sinh ấy đã giác ngộ, sẽ hiểu được Tây phương nơi nào, cõi Tây phương ngay tại tâm mình. Cũng vậy, Di Đà là tính sáng, là vô lượng quang, là vô lượng thọ, tính ấy là bất sinh, bất diệt, không thêm, không bớt, cái tính sáng ấy như diệu hữu sắc không của mọi pháp, như diệu hữu của tinh thần Bát Nhã Ba La Mật, hiểu tính tướng của Di Đà thì cũng là rõ biết cõi cực lạc, cõi Tây phương không xa rời cõi cực lạc ở Sa Bà. Người chưa giác thì tạm học theo kiểu tạm tách cảnh giới Tây phương và Sa Bà. Dưới con mắt của người chứng đạo như Trần Nhân Tông thì chỉ là một, người giác ngộ thì đâu cần hỏi Tây phương. Trần Nhân Tông như là một tấm gương sáng thiết lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, xây dựng lên thiền phái, tu tập, gương mẫu tu hạnh đầu đà, như Phật Thích Ca hóa hiện ở Đại Việt dụ cho mọi người tiến tu đạo nghiệp để giác ngộ, độ sinh.

Cuộc đời của Trần Nhân Tông luôn lo lắng về hoằng pháp, vì ngài đã từng giác ngộ thấu triệt về đạo pháp, biết đạo pháp là mầu nhiệm, đạo pháp như thuốc hay, không thể thiếu cho con người, đạo pháp như hình bóng của dân tộc Đại Việt không thể tách rời.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử luôn nhắc nhở người tu sĩ theo Phật giáo nói chung theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, luôn cần tu và hành trong chính niệm, tỉnh thức trong khi khỏe cũng như lúc yếu. Người học Phật, tu Phật khi sắp viên tịch cần bình tĩnh theo dõi thân tâm, cần nhắc nhở chúng đệ tử tinh tiến tu tập, noi theo gương Phật tổ, có thắc mắc gì cần hỏi về đạo pháp. Như Thích Ca xưa sắp nhập Niết Bàn, có đệ tử sầu thương hỏi Phật mất thì lấy ai làm Thầy? Đức Phật trả lời, hãy lấy giới luật làm Thầy. Khi Trần Nhân Tông ở đây cũng vậy, khi ngài sắp viên tịch đã biết giờ Tý là ra đi, cho gọi Bảo Sát tới.

Bảo Sát hỏi:  “Tôn đức đi đến chỗ nào? Ngài nói kệ đáp:

Phiên âm

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi hữu dã”

Dịch nghĩa:

Tất cả pháp chẳng sinh

Tất cả pháp chẳng diệt

Nếu hay hiểu như thế

Chư Phật thường hiện tiền

Nào có đến đi đó vậy[9].

 

Theo Trần Nhân Tông, người học đạo pháp cần phải thấu tỏ các pháp, hữu vi hay vô vi đều nên hiểu bản chất của chúng đều là vô tướng, thanh tịnh, chúng vốn không sinh, không diệt, không có đến đi. Một khi chúng ta quán chiếu giác ngộ được tâm thanh tịnh, thể tướng tính của tâm đều là vô tướng rồi thì tức tâm tức Phật. Người an vui thì mãi vui trong tâm thiền vô tướng, còn người phàm chưa giác thì hay nóng giận, tham, sân, si, vui khổ lẫn lộn. Có thể nói, bài kệ trước khi thị tịch của Trần Nhân Tông đã nhắc người học đạo pháp, hay học đạo Phật tu thiền cần tinh tiến, phải giác ngộ cho kỳ được bản thể bất sinh, bất diệt của tâm mình, muốn hiểu được thì cần phải chính niệm, theo dõi hơi thở, hay phản quan tự kỷ thấu rõ nguồn tâm không đến đi. Một khi thấy rõ được pháp không sinh diệt, thì người hành giả du dạo thập phương các cõi chỉ trong một sát na thôi. Vì quán chiếu các pháp đương thể tức không vậy.

Chùa Đồng Yên Tử thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông Việt Nam – Ảnh: Internet

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được thành lập không thể quên được công của Thiền sư Pháp Loa, người được Vua Trần Nhân Tông giảng dạy thiền hướng dẫn tu nhất tâm, tự tham thiền tới nửa đêm khi bông đèn tự rụng quán thấy bông đèn vốn vô ngã, bản thân tâm người cũng như vậy, bỗng nhiên đại ngộ, tự khéo bảo hộ, sau Thiền sư Pháp Loa được truyền pháp và phó chúc cho kế thừa làm tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền sư Trần Nhân Tông thị tịch thọ 51 tuổi.

Theo sử sách ghi, năm 1308, Điều Ngự Giác Hoàng – Trần Nhân Tông làm lễ cho Pháp Loa nối tiếp trụ trì chùa Siêu Loại và thay Điều Ngự thuyết pháp. Từ đó, ông kế tiếp làm chủ của của sơn môn Yên Tử và nối đời thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Điều Ngự thị tịch, ông làm lễ trà tỳ và rước xá lợi về cung, rồi biên soạn kệ tụng, ngữ lục của Điều Ngự thành cuốn Thạch Thất Mỵ Ngữ. Ông cũng từng phụng chiếu vua khắc in bộ Đại Tạng Kinh và sau giao cho đồng môn tiếp tục. Trong cuộc đời hoằng pháp của mình, ông từng giảng nhiều bộ sách quan trọng của Thiền Tông như bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Đại Huệ Ngữ Lục, các kinh điển Đại Thừa và đào tạo ra nhiều đệ tử nổi danh như Huyền Quang, Cảnh Ngung, Cảnh Huy, Huệ Nhiên… Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), ông thế độ xuất gia và cấp giới độ điệp cho hơn 1000 vị tăng. Thiền sư Pháp Loa tịch năm 1330 và đệ tử nối pháp là Huyền Quang tiếp tục kế thừa Thiền phái Trúc Lâm. Tác phẩm của ông gồm có: Thạch Thất Mị Ngữ Niêm TụngTham Thiền Yếu Chỉ

Thiền sư Huyền Quang (玄光), 1254 – 1334) tên thật là Lý Đạo Tái (李道載) là một Thiền Sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thời Trần. Thiền sư Huyền Quang là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ngài vốn là trạng nguyên và từng thi đỗ Tiến Sĩ. Một hôm, ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa thuyết pháp và vì cảm động nên xin vua cho phép từ quan để xuất gia tu học. Sau khi từ quan, ông đến xuất gia và thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm rồi làm thị giả cho Điều Ngự giác Hoàng – Trần Nhân Tông và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Trước khi thị tịch, Điều Ngự căn dặn ông đến tham học với Pháp Loa. Dưới sự chỉ dạy của Pháp Loa, ông ngộ đạo, được Pháp Loa truyền tâm kệ và áo cà sa của Điều Ngự làm tín vật, trở thành tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau khi đắc pháp, ông đến trụ trì tại chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Vì ông đa văn bác học, tinh thông huyền nghĩa nên học chúng khắp nơi đến tham học rất đông, thường không dưới 1000 người. Ông cũng thường phụng chiếu vua đi giảng kinh và dạy Thiền khắp nơi. Đương thời các tác phẩm Thiền học trước khi được in ấn, lưu hành đều phải do ông kiểm duyệt qua[10].

Thiền sư Huyền Quang được Pháp Loa truyền pháp vào năm 1317, khi ấy ông đã ngoài 63 tuổi. Do già yếu và sức khỏe ngày càng kém nên ông chỉ giáo hóa được một thời gian rồi truyền lại sự nghiệp của mình cho cho đệ tử là Quốc sư An Tâm kế thừa. Thiền sư Huyền Quang cũng là một tấm gương sáng về đạo đức và giới hạnh, Ngài luôn đặt báo hiếu lên làm đầu, ngài đi tu nhưng ngài không quên quê hương, không quên cha mẹ, không quên người đã khuất. Những năm cuối đời, Ngài từng về quê đã phát tâm kêu gọi cùng thập phương tín thí, và nhân dân địa phương phát tâm xây dựng ngôi chùa Đại Bi trên đất quê hương ở làng Vại Tải lộ Bắc Giang. Trải qua bao thăng trầm tháng năm ngôi chùa xuống cấp trùng tu nhiều lần. Cách đây khoảng 10 năm được Đại đức Thích Thanh Liên quê huyện Gia Bình xuất gia về trụ trì đã mở mang được diện tích đất chùa, khi viên tịch, được Hòa Thượng Thích Thanh Tuân về kiêm trụ trì đã xây dựng được tường bao khuôn viên chùa và một số công trình của chùa Đại Bi, được nhân dân tin tưởng ca ngợi đức hạnh của hòa thượng trụ trì có tâm huyết, nhất tâm vì đạo pháp và dân tộc. Hòa thượng ở dân mến đi dân thương. Vừa qua có một ông cụ Nguyễn Vũ Vẽ tầm gần 80 tuổi con em địa phương Thiền Sư Huyền Quang vào chùa Song Quỳnh chia sẻ, ông đã từng nghe dân làng kể về Thiền phái trúc Lâm Yên Tử, ba vị tổ sư đều có công rất lớn, Thiền sư Trần Nhân Tông và Thiền Sư Pháp Loa đã được hội thảo khoa học làm sáng tỏ về cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của các Ngài. Trên quê hương tôi tức làng Vạn Ty còn nghe một số thông tin trái chiều về lịch sử con người Thiền sư Huyền Quang, như: Huyền Quang thị tịch, thọ 80 tuổi hay 84 tuổi? Ngài là Tái sinh thân sau của A Nan Đà Tôn Giả thời Phật Thích Ca bên Ấn Độ đúng hay sai? Mong sao, các ban ngành có chức năng tạo điều kiện giúp đỡ Hội thảo về con người và sự nghiệp tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang để làm rõ những điều chưa rõ về Ngài, đặc biệt vấn đề Thiền phái Trúc Lâm Yên tử về vấn đề đạo pháp và dân tộc, để hậu thế và tương lai noi gương tu hành.

Thiền phái Trúc Lâm kế thừa phát triển được tư tưởng Phật Thích Ca, đem lại giác ngộ an lạc cho chúng sinh, thịnh vượng cho thế giới. Cái sinh tử của cuộc đời mọi người luôn băn khoăn thì nhờ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cách Tu thiền phản quan tự kỷ đã thấy được con người thật của mình đem lại an tâm, góp phần đoàn kết toàn dân tộc, để thành một sức mạnh, sức mạnh đó, ngọn hải đăng, đèn thiền thực đó trong mỗi con người không có ai có thể thổi tắt, một khi ngọn đèn đã được thắp sáng, thì vạn pháp cũng chung quy về nhất thể “một là tất cả, tất cả chỉ là một” như đạo pháp mà chư Phật tổ từng tuyên thuyết, dễ dàng vun bồi đạo tộc.

Từ khi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hình thành, tư tưởng thiền học càng được nâng cao, chú trọng, người nghiên cứu về thiền rất nhiều, hiện nay tư tưởng về cách thức tu tập của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã lan truyền ra khắp bốn phương trên thế giới, giáo lý thập thiện, tư tưởng thiền học “phản quan tự kỷ” quay lại tu tâm để thanh tịnh, bản lai vô tướng hiển bày, không phải tìm Phật đâu xa. Một khi tâm an thì góp phần thế giới sẽ an, đạo pháp riêng ta tăng lên nhờ tu, đoàn kết góp phần Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Tăng đoàn thiền học ngày cảng mở rộng vững vàng nói riêng.

(Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử tại Yên Tử – Quảng Ninh – ảnh: Internet)

Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử xưa còn gọi là chùa Lân, là nơi vua Trần Nhân Tông từng tu hành ở đó, năm 1293 Ngài cho xây lại tổng thể trang trọng, uy nghiêm. Hình ảnh trên là ảnh mới gần đây mới được xây dựng lại, để phục vụ tín ngưỡng cho mọi người về chiêm bái, tu tập, hiểu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử nhắc ta có một bài học về triết lý Phật giáo là vô thần, không duy vật không duy tâm mà nhận biết rõ thế giới và con người như thật thể vô tướng vốn dĩ của nó, thấy được tâm của vạn pháp vô tướng thì con người càng yêu đời yêu đạo, bảo vệ đất nước hết mình. Từ ấy với tư tưởng Cư Trần Lạc Lạc Đạo Phú của Thiền Phái Trúc Lâm qua Trần Nhân Tông lại càng nổi bật hơn: “ở đời vui đạo hãy tùy duyên. Đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Khi giác ngộ rồi, thì người tu Phật sống có trách nhiệm, tế nhị với dân tộc, gương mẫu trong đạo pháp, là bóng cây đại thụ che chở cho quần sinh nương tựa tu hành.

 Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử được Phật hoàng Trần Nhân Tông hợp nhất giáo hội từ ba dòng thiền phái thành một dòng phái mang tên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái này hướng con người tu với phương pháp: “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc” (hãy quay lại cái gốc của mình chứ không theo cái khác tìm được). Theo, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì triết lý bản thể Phật vốn có trong mỗi con người chúng ta không phải tìm đâu xa, vọng thì không rõ Phật trong ta, giác thì tâm là Phật vốn hiện tiền, thoát ra nhị biên cố chấp của đời.

Ảnh Thanh Quế – HCM: Ủy Ban TW MTTQ Việt Nam – Ban Tôn giáo Hội Thảo Khoa học: Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử…ngày 22/12/2023

Những người nhầm lẫn tà đạo với chính đạo sai lầm, mê tín hơn chính tín, gây mất đoàn kết, con cháu bất hiếu với cha mẹ, tổ tiên, đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Để tăng thêm sự đoàn kết, giữa mọi người với mọi người, để góp phần vào xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, ổn định, phát triển bền vững, ai cũng mạnh khỏe, hạnh phúc. Không còn cách nào khác là chúng ta đoàn kết lại, ôn lại những kinh nghiệm, phương pháp thiền học của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử mà Phật hoàng Trần Nhân Tông từng gây dựng, kết hợp với các tư tưởng khác để so sánh đối chiếu hỗ tương để tăng sự đoàn kết, tu học và thực hành thiền sống tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng đất nước ngày một phát triển. Ấy là ước mơ của bậc tiền nhân cũng như ước mơ của mỗi con người chúng ta.

Kết Luận

Tóm lại, việc chúng ta nghiên cứu về Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta lại một lần được nhắc lại, mới thêm về tư duy thiền định “phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc” (quay lại tìm Phật trong ta không nên tìm đâu xa). Cái quan trọng nhất là thiền quán được tâm thanh tịnh, giữ giới, tín tam Bảo, tu theo thập thiện, thiền quán theo dõi hơi thở, giác ngộ được các pháp do duyên sinh, bản gốc của các pháp là bất sinh bất diệt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nhắc chúng ta tin vào thiền định, tinh tiến tu tập thâm nhập đạo pháp, nhờ hoằng pháp, mà việc giáo dục đạo đức, lối sống, sức khỏe con người tốt hơn, yêu thương giúp đỡ nhau bằng tâm tình đạo Phật, con người ngoài cũng như ruột thịt, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công thành công, đại thành công”.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ kỹ thuật, khoa học phát triển vượt bậc, con người không kịp bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ dẫn tới hoang mang đạo đức, con người có nguy cơ xuống cấp, cho rằng đạo pháp nhà Phật là mê tín không phải chính tín, thật là nguy hiểm. Nên việc hội thảo khoa học về Thiền phái Trúc Lâm Yên tử lần này là cần thiết, để ta nhìn nhận đánh giá đúng mực về thiền phái, giá trị tư duy của thiền học. Đem lại sự đoàn kết toàn dân tộc và Tăng đoàn. Qua hội thảo này, chúng ta mạnh dạn hoan hỷ tinh tiến, tin lời Phật, hiểu sâu thêm về chất thiền trong Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, học đi đôi với hành theo lời Phật để đem lại an cho cho xã hội. Như trong sách Phật giáo Nhập Thế và các vấn đề xã hội đương đại, nhà xuất bản Đại học KHXH năm 2018, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (Bộ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam) PGS TS Nguyễn Kim Sơn chủ biên từng khẳng định: “Phật giáo nhập thế – Một lần nhắc lại một lần mới”. Ngài đã tiếp thu tư tưởng đạo pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông góp phần vào xây dựng xã hội, khoa học giáo dục, dân tộc ngày nay càng thêm ý nghĩa.

Có thể nói, bàn về vấn đề Thiền phái trúc Lâm Yên Tử đối với vấn đề đạo pháp và dân tộc là một đề tài muôn thuở. Vì liên quan tới Thiền, càng thiền càng hay, càng ham, càng có thể rõ hơn về đạo pháp và tầm quan trọng trách nhiệm của bản thân góp phần đối với dân tộc Việt Nam nhiều hơn.

Để tạm kết cho bài viết này, tác giả xin mượn bài kệ của Phật dẫn sáng thêm lợi ích và giá trị của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử góp phần đạo pháp và dân tộc ổn định phát triển thịnh vượng hơn, chính tín hơn:

Không làm các điều các

Năng làm các điều thiện

Giữ thân ý trong sạch

Ấy lời chư Phật dạy”.

 

Kính chúc hội thảo thành công rực rỡ!

Nam Mô Phật Hoàng Trần Nhân Tông tác đại chứng minh 

 

Tài liệu tham khảo:

  • Nguyễn Hùng Hậu (2002), Cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội
  • Thích Thanh Từ (2020), Thiền Sư Việt Nam, Nxb Hồng Đức
  • Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng (2007), Các Triều Đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên
  • Thích Thanh Từ (1999), Thánh Đăng Lục, Nxb TP Hồ Chí Minh
  • TT TS Thích Thanh Quyết (2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo Tùng Thư, NXb KHXH
  • Thích Thanh Từ (2018 ), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, NXB Hồng Đức
  • Thơ văn Lý Trần, Tập 2, Quyển thượng, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 1988
  • Viện Trần Nhân Tông, PGS TS Nguyễn Kim Sơn (chủ biên, 2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb Đại học QGHN
  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BB%81n_ph%C3%A1i_Tr%C3%BAc_L%C3%A2m

 

[1] Đại đức TS Thích Quảng Hợp trụ trì Chùa Hưng Sơn & Chùa Song Quỳnh tỉnh Bắc Ninh

[2] Nguyễn Hùng Hậu (2002), Cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội, tr. 09-10

[3] Thích Thanh Từ (2020), Thiền Sư Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr. 312-314

[4] Tức Trần Cảnh  lấy Lý Chiêu Hoàng do duyên chậm có con nên Trần Thủ Độ lo cần người nối dõi ngôi Vua trong tương lai nên đã ép Trần Cảnh (Trần Thái Tông) khi tuổi thời 20 lấy vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên rồi giáng Lý Chiêu Hoàng làm công chúa.

[5] Thích Thanh Từ (2020), Thiền Sư Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr. 312-313

[6] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng (2007), Các Triều Đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, 117-119

[7] Nguyễn Hùng Hậu (2002), Cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội, tr.128-130

[8] Thơ văn Lý Trần, Tập 2, Quyển thượng, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 505

[9] Thích Thanh Từ (2018 ), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, NXB Hồng Đức, tr.57-59

[10]https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BB%81n_ph%C3%A1i_Tr%C3%BAc_L%C3%A2m.

 

Đăng: Phúc Trí

 

 

Bài viết khác