TÂM THƯ (Tiếng nói của Phật tử)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

                                                                      Ngày 18 tháng 6 năm 2021

 

THƯ GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, THU CHI TÀI CHÍNH CHO CÔNG TÁC TỔ CHỨC LỄ HỘI VÀ TIỀN CÔNG ĐỨC, TÀI TRỢ CHO DI TÍCH VÀ HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI

 

                                     Nam Mô A Di Đà Phật

Kính gửi:

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Văn phòng Chủ tịch nước

– Bộ Tài Chính

– Văn phòng 1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

 

Kính thưa các Sở ban ngành, quí vị. Ngày hôm nay con viết bức tâm thư này với tư cách là một người con Phật, một người công dân đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của đất nước Việt Nam. Pháp danh của con là Quy Niệm một Phật tử ở Bắc Ninh.

 

Vừa qua Bộ Tài chính có văn bản gửi xuống các Bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Thông tư: Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Trong đó có nội dung Nhà nước sẽ quản lý trực tiếp tiền công đức ở các chùa, tức là Nhà nước tham gia quản lý và quyết định việc sử dụng tiền của Tam Bảo. Thông tư này đã và đang vô tình tạo ra sự đối xử bất bình đẳng trong quản lý Nhà nước giữa các Tổ chức Tôn giáo tại Việt Nam. Đây cũng chính là lí do vì sao thời gian qua đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật tử Việt Nam lại rất quan tâm và không nhất trí đối với Dự thảo Thông tư này.

Năm xưa, khi Việt Nam ta khó khăn đặc biệt là nạn đói năm 1945. Nhân dân ta phải chịu đói rất khổ cực, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự mình đứng ra kêu gọi toàn dân ủng hộ “Hũ gạo kháng chiến“, sức một toàn dân đoàn kết việc gì cũng xong. Nay các Phật tử, nhân dân vì lòng mộ đạo, tôn kính chư Phật, tin sâu nhân quả đã phát nguyện cúng giọt dầu vào Tam Bảo ( Phật – Pháp – Tăng) gieo duyên lành. Con đã từng được nghe rằng ba ngôi Tam Bảo: Phật bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo là ruộng phước điền tối thượng của thế gian, nếu ai cúng dường các Ngài thì sẽ được phước vô lượng, nếu ai phạm vào Tam Bảo thì cũng chịu “quả báo” vô cùng. Là Phật tử, chúng con luôn cố gắng thực hiện cả Lời Phật dạy và Lời Bác dạy. Khi đất nước gặp khó khăn thì nhiệm vụ của Phật tử và Thanh Thiếu Niên chúng con là đứng lên kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ hưởng ứng. Vì vậy, các vị tuyệt đối không nên thu tiền công đức hay là đặt hòm công đức vào nơi cửa Phật nơi tâm cao quý, như vậy sẽ mất đi vẻ tôn nghiêm.

Xét ở cả góc độ pháp lý và thực tiễn thì Tiền công đức Tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội có bản chất pháp lý khác nhau và chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống pháp luật khác nhau, cần phải được phân biệt rõ như sau:

*Tiền công đức là tài sản của Cơ sở Tín ngưỡng, tổ chức Tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân đều thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức Tôn giáo nên được tổ chức Tôn giáo tự quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt ( Khoản 5 điều 21 và điều 56 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016). Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức Tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại Khoản 3 điều 3; Khoản 6 điều 7 Luật Tín Ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và Nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ Luật Dân sự hiện hành.

*Tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là các khoản quyên góp tài trợ, đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa, lịch sử thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa, di tích theo Quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001.

Do vậy, quan điểm cho rằng thiếu quy định về quản lý đối với tiền công đức là không đúng, mà về nguyên tắc Nhà nước không được trực tiếp quyết định thay việc sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà phải tôn trọng quy định riêng của từng tổ chức Tôn giáo về vấn đề này.

Như vậy qua các ý kiến trên thì cá nhân con hoàn toàn không đồng ý với Thông tư này của Bộ cùng vì một số lí do nữa:

  1. Tiền công đức là tài sản mà tổ chức Tôn giáo được phép tiếp nhận và được công nhận quyền sở hữu.
  2. Tiền công đức là của Tín đồ theo đạo Phật đến chùa vì lòng tôn kính Phật và mộ đạo mà cúng dàng lên Tam Bảo. Số tiền cúng dàng Tam Bảo được chùa chia làm ba phần:
    • Một phần để duy trì tôn tạo chùa, tượng gọi là Phật Bảo.
    • Một phần để in kinh điển gọi là Pháp Bảo.
    • Một phần để nuôi Tăng chúng tu học, hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.Vậy khi nhân dân, Phật tử chúng con đến chùa cúng Tam Bảo lại bị quản lý thu chi thì Tăng Ni tại chùa lấy gì mà sinh hoạt và hoạt động Phật sự.
  3. Đối với những khoản sinh hoạt hàng ngày tại cơ sở Tôn giáo tự thân chư Tôn Đức Tăng Ni phải lo trang trải chi phí. Cơ quan nhà nước không có khoản chi tài chính cho những sinh hoạt này. Vì vậy, việc nhà nước quản lý thu chi tài chính là hoàn toàn không phù hợp.

Nhân dân, Phật tử đã thực hiện đủ trách nhiệm của người công dân thông qua việc nộp thuế, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác vào Ngân sách đúng quy định. Cho nên, chúng con mong muốn các khoản tiền, tài sản mà chúng con tự nguyện dâng tặng cho các bậc tu hành sẽ được chính các bậc tu hành quản lý, sử dụng, định đoạt và quyền này cần phải được tôn trọng, bảo hộ theo đúng Hiến pháp; Bộ Luật dân sự; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Kính mong Bộ Tài chính cần lắng nghe những ý kiến chính thức từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; từ các tỉnh, thành phố và cả dư luận xã hội liên quan đến Thông tư này. Mọi công dân Việt Nam đều có cơ hội được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, cùng được góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả.

Tâm thư có chỗ nào sai sót kính mong quí vị hoan hỷ bỏ qua cho con. Cuối thư, Xin chúc quí vị sức khỏe, hạnh phúc, bình an.

Con xin cảm ơn!

 

Nam mô hoan hỷ tạng bồ tát ma ha tát chứng minh!

 

                                                                                       Người viết

 

                                                                                        Quy Niệm

Bài viết khác