Y ĐỨC THỜI KIM TIỀN

Y đức thời kim tiền

Trước khi luận bàn về nội dung “Y đức thời kim tiền”, một chủ đề rất quan trọng, tác giả muốn thống nhất cách hiểu từ “kim tiền” theo nghĩa bóng. “Thời kim tiền” ý nói về sự đề cao tiền tài, vật chất trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định. Cụ thể trong bài bình luận này là “thời hiện tại”.

Vâng, Y đức ý nói về đức tính tốt đẹp của ngành y. Không biết tự bao giờ, khẩu ngữ “lương y như từ mẫu” trở thành tôn chỉ mục đích cho nghề y nói chung và mỗi người thầy thuốc nói riêng.

Với bề dày nghìn năm văn hiến, dân tộc Việt đã sản sinh ra những vĩ nhân ngành y như Thiền sư Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác … Cho đến giai đoạn cận đại nước ta cũng có không ít các bậc thầy về y đức và tay nghề như GS Hồ Đắc Di, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, GS Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng …

Các bậc tiền nhân không chỉ để lại những di sản quý báu cho nghề thầy thuốc mà hơn hết, họ là những “từ mẫu” của chúng sinh.

Nhìn rộng ra thế giới, vào những năm 460 Trước Công Nguyên, một người thầy thuốc Hy Lạp được biết đến với cái tên ngắn gọn Hippocrate đã tự lập “Lời thề đạo đức y khoa” để không chỉ ông mà cho cả các y sinh đang theo học lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời và sự nghiệp.

Hàng chục năm qua, hành động tuyên thệ của các sinh viên y khoa trong ngày lễ tốt nghiệp cũng có những nét tương đồng, mang ý nghĩa như lời thề Hippocrate. Hàng triệu y bác sĩ Việt Nam ngày hôm nay đã từng ngẩng cao đầu đọc lời tuyên thệ ấy. Ngày 06/11/1996, Bộ Y Tế ban hành quyết định số 2088/BYT-QĐ về việc ban hành “Quy định về y đức” với 12 điều phải thực hiện được đối với bất cứ ai chọn y khoa làm sự nghiệp cuộc đời mình.

Đáng tiếc thay, sau hơn 20 năm ra đời “Quy định về y đức”, thì nay Y đức đang trở thành thứ thuốc xa xỉ chữa tâm bệnh cho ngành y. Vụ án công ty CP VN Pharma đang khiến dư luận bất bình, xã hội đảo điên, phẩm giá con người bị đảo lộn. Nhiều Bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước nằm trong một bản danh sách đấu thầu thành công những lô thuốc được sản xuất bởi “một công ty không có thực mang tên Helix Pharmaceuticals” do VN Pharma nhập khẩu. Hàng trăm bác sĩ “nhận hoa hồng” để rồi bị cầm tay kê cho “người nghèo trọng bệnh” những đơn thuốc vừa đắt lại vừa bị “làm giả”. Sự rúng động dư luận trong vụ việc này còn nằm ở sự “tranh luận chưa có hồi kết” về nguồn gốc những lô thuốc mang thương hiệu Helix là “không rõ nguồn gốc” hay “thuốc giả”!?. Ai có đủ tầm khẳng định việc đó? Khi vụ án đang trong giai đoạn nóng cực độ này, liệu có vị bác sĩ nào dám dũng cảm đối diện sự thật, trả lại “hoa hồng” cho VN Pharma?

Có lẽ, chưa bao giờ những năm tháng này lại đổ sông, đổ bể hết công lao của hàng triệu người thầy thuốc tận tụy. Những người thầy thuốc có liêm sỉ hẳn sẽ đau buồn biết nhường nào khi ngày ngày phải khoác lên mình tấm áo blouse trắng bị người đời đổ đồng với kẻ mặc “blouse đen”. Phải chăng, họ chỉ còn biết tự an ủi mình “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”?

Đại đức, TS Thích Quảng Hợp lý giải “Trong giáo pháp nhà Phật, với triết lý Duyên sinh, cái này có cái kia có, cái này không cái kia không…nhân quả công bằng, chữ Tâm của người hành nghề y dược trong thời kim tiền ngày nay cũng vậy. Bản thể của tâm là chẳng sinh chẳng diệt, nó trong sáng nó là tâm Phật tính. Cái chữ tâm hiện tượng điên đảo, sinh diệt, phân biệt, do vô minh tạo ra tâm tham- sân- si, dẫn tới lời nói, hành động không đúng đắn, sai lầm khổ đau, đem lại. Soi chiếu từ tinh thần của Phật pháp, ai khéo chọn cho mình một nghề nào đó có lợi cho mình và mọi người thì đó là phước đức lớn nhất. Đức Phật dạy trong một bài pháp ngắn về Kinh Phước Đức rằng:

“Có học có nghề hay

Biết hành trì giới luật

Biết nói lời ái ngữ

Là phước đức lớn nhất”

Từ đó cho thấy, nếu người thầy thuốc nào cũng hành trì theo 12 điều quy định về y đức hoặc chỉ cần không làm trái với lời thề Hippocrate cũng đã là phước đức lớn nhất rồi. Chưa cần bàn đến “biết nói lời ái ngữ” để động viên bệnh nhân lạc quan tin tưởng, tiếp tục sống.

Đối với người hành nghề dược, họ cũng phải tuân theo 12 điều Y đức do Bộ Y Tế ban hành, bởi những viên thuốc được bào chế là để cứu người chứ không phải là độc dược. Khi dư luận đang bất bình và nhiều ý kiến khác nhau về hành vi của VN pharma là buôn bán thuốc giả hay chỉ là buôn lậu, thì lúc này “đạo đức nghề nghiệp” của những vị cầm cân nảy mực cần phải lên tiếng. Để sự thật được phơi bày, để giá trị xã hội không bị đảo lộn, để cộng đồng giữ vững niềm tin nơi chính pháp – ở đây chính pháp luật.

Theo Đại đức, TS Phật học Thích Quảng Hợp “Trong một bài thuyết về “Lập nghiệp chân chính”, Thượng toạ Thích Nhật Từ có giảng: Lập nghiệp chân chính quan trọng hơn khái niệm “Lạc nghiệp” trong cách diễn đạt dân gian “An cư lạc nghiệp”. An cư được hiểu là được ở yên, ổn định một chỗ không phải di chuyển, không bị tác động bởi môi trường, điều kiện xung quanh dẫn đến nghề nghiệp ổn định, mang lại hạnh phúc. Sự lập nghiệp chân chính vốn đã bao gồm hai yếu tố này và cả những yếu tố khác như đạo đức, hiến pháp và nhận thức chân chính. Trong các kinh điển Đại thừa, đức Phật xác định rất rõ người có nghề nghiệp vi phạm luật pháp, hay ngoài vòng pháp luật không thể nào phát triển được trí tuệ và đạo đức. Có chăng, chỉ là sự dối gạt cuộc đời hay dối gạt chính mình, người đó luôn sống trong nỗi nơm nớp sợ hãi bởi những hành vi bất hợp pháp.”

Trong trường hợp người tại gia thì sự lập nghiệp chân chính được biểu hiện rất đa dạng, trong xã hội có đến mấy ngàn nghề. Để chỉ ra nghề nghiệp chân chính, đức Phật không chọn cách liệt kê, xác định chủng loại nghề nào là thích hợp mà Ngài làm công việc loại trừ: Liệt tất cả những nghề mà sự lập nghiệp trên nó là phi chân chính, những nghề nghiệp còn lại được coi là chân chính.

Một trong những nghề không nên làm đó là “Buôn bán chất độc”. Chất độc gồm hai dạng, những độc dược uống vào có thể gây tử vong, những loại thuốc diệt côn trùng mặc dù việc giết hại côn trùng để bảo vệ thực vật, thực phẩm, hoa màu, đảm bảo đời sống đầy đủ cho con người. Tuy nhiên, việc giết côn trùng đồng nghĩa sát hại các chủng loại sinh vật, chỉ mang tính tương đối. Không có những người bán các loại thuốc diệt côn trùng, chúng ta thiếu gạo thóc, thực vật để đảm bảo sự sống. Những người làm nghề này có thể thu về lợi nhuận rất cao, nhưng nghiệp mà họ phải gánh cũng không nhẹ. Nhà Phật có bài thơ vừa hàm ý luật Phật vừa hàm ý luật pháp cùng chung một mục đích khuyên răn làm lành, lánh xa việc ác, ai cũng được bình an như:

“không làm các việc ác,

Năng làm các việc lành,

Giữ thân ý trong sạch,

Ấy lời chư Phật dạy”.

Trong xã hội hiện đại, nghề dược là nghề cao quý, song, những kẻ lợi dụng nghề dược để buôn bán độc dược hại người lại là kẻ đớn hèn, bất nhân, thất đức, đương nhiên phải chịu nhân quả nghiệp báo, tương xứng. Đồng thời pháp luật cần phải vào cuộc kịp thời để xử lý người vi phạm có tình có lý góp phần xây dựng xã hội công bằng, ổn định, phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Vậy hành vi “buôn bán thuốc giả” “thuốc kém chất lượng” “thuốc không rõ nguồn gốc” liệu có phải là hành vi “buôn bán độc dược” hay không? Câu trả lời nằm trong trí tuệ của mỗi chúng ta.

Trong tuệ nhãn của Đạo Phật, mọi hành vi buôn gian bán lận gây hại cho chúng sinh thì đều mang “độc tính”, kẻ gây tạo tác ấy tự trong tâm đã bị “nhiễm độc” thì ắt sẽ gặt quả báo nhãn tiền.

Có thể nói, bất cứ đất nước nào, xã hội thời nào cũng mong quốc gia mình phát triển. Để xã hội ổn định phát triển, thịnh vượng, nhà nhà an vui, thì cả nước cùng đoàn kết, phấn đấu, làm các việc lành, chuyển hoá các việc ác thành các việc lành, ngoại giao, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu văn hoá tri thức mới, không cố chấp vào những sai lầm… và điều quan trọng là “thức tỉnh nhân tâm”.

Cổ nhân có câu “có tâm có đức mặc sức mà ăn”, ấy cũng là lời dạy để chúng ta soi chiếu vào từng tạo tác của mình mỗi ngày … thiết nghĩ người hành nghề y lại cần “cái tâm” “cái đức” hơn hết thảy./.

Tác giả: Lê Minh Quang; Đăng: Phúc Trí

Bài viết khác