Giữa mỗi bối cảnh sống, đôi lúc chuyện ghét – yêu dẫn chúng ta đến với nhiều sự chọn lựa. Có cả đúng và sai. Và, xét ở góc độ cá nhân, yếu tố khách quan lúc bấy giờ trở thành sự “phù phiếm”. Nhất là đối với những cá thể mang trong mình thứ cá tính mạnh.
Đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai tôi cũng luôn nói với mình: Phải học cách để thích ứng và dung hòa. Bởi, có thể ở lần đầu gặp gỡ ấy, chúng ta chưa thể “manh múm” được bất cứ điều gì từ phía người còn lại. Rồi, cả những câu chuyện khoác lên mình những thứ vỏ bọc, nhằm biến tấu bản thân, để “đối phương” có được ấn tượng thật sự mạnh mẽ. Nhưng, càng tiếp xúc (nếu có thể) lại càng vỡ ra được nhiều thứ. Sâu sắc có. Hời hợt có. Tốt có. Xấu có, … Chất liệu của đời sống thực tại đó thôi.
Ở một ngữ cảnh nhất định, nếu nhìn bằng ánh nhìn “hào nhoáng” thì đám đông ở đây được “thẩm thấu chân lý của đời sống” qua lăng kính, qua nhân chứng, vật chứng mà được hầu hết những cá nhân tìm hiểu, học và hành bởi sự giác ngộ của một bậc chính đẳng chính giác- Đức Phật. Nhưng nhìn trực diện, cặn kẽ thì sự thật đôi lúc không phải như vậy. Nguồn cơn đến từ nhiều phía. Nói cho rõ ràng hơn, đó là việc đưa giáo lý của bậc giác ngộ đến với đời sống vốn dĩ nhiều bất trắc, nan nguy này không có nền tảng, thứ lớp. Tùy từng đối tượng, tùy từng cách tiếp cận, miễn sao “lôi kéo” được họ đến với “ngôi nhà của mình”.
Cái lợi trước mắt chúng ta đã nhìn thấy. Nhìn từng lớp thanh thiếu niên đến chùa, phát nguyện thụ trì, giữ gìn Tam quy, Ngũ giới, rồi làm việc công quả, kể cũng được mát mặt. Nếu là người có trách nhiệm, thì nên bỏ qua giai đoạn “nước rút” đó, và cần hơn là tiếp tục hướng dẫn theo thứ, theo lớp, để bất cứ ai có nhân duyên đến và tìm hiểu giáo lý của Phật giáo biết được nguồn cơn đức Phật muốn gửi gắm, muốn truyền trao tới cuộc đời này là gì. Được tiếp xúc, rồi tìm hiểu, nghe thấy, nhìn thấy, tôi đã bắt gặp rất nhiều những cá nhân, chẳng biết tiếp cận với Phật giáo, với giáo lý của đức Phật qua kênh, sóng nào, nhưng luôn luôn nghĩ mình đang tu, và lối tu (mang hơi hướng cá nhân, có thể là ngộ nhận) đó sẽ giúp ai làm theo họ thì là Phật … sắp thành.
Quay trở lại với “đối tượng” được đề cập trong bài viết, đó là lớp thanh thiếu niên, lớp người trẻ đến chùa tu học ở hiện tại. Có thể, đó chỉ là sự nhận biết từ đám đông, rồi vui, rồi chạy theo. Họ buông bỏ tất cả những gì được cho là chuyện đời. Kể cả cha mẹ, nếu không cho họ đến chùa, hoặc nhắc nhở, làm gì, đi đâu, đến đâu, thì việc học hành, việc đối đãi với những người chung quanh không nên chểnh mảng. Không phải tất cả đều đi lệch ra bài học căn bản này, nhưng với ghi nhận từ thực tế, đang có rất nhiều những bạn trẻ sống với thiên hướng thích “xưng hùng xưng bá” trước đám đông. Cũng mon men tìm hiều được chút ít về “mảng miếng” mà họ tiếp cận, và lúc nào cũng cho rằng mình đang tu. Tu như một con người đã dần đến được với việc giác ngộ. Ở vị thế của “một nhà lãnh đạo trước đám đông”, họ sẵn sàng “kêu gọi” lớp bạn cùng tu đi theo sự “phách lối” của mình. Vì thế, nếu có bị đụng chạm, mà không phải là người trực tiếp dạy dỗ họ, họ sẽ tỏ “thái độ” ngay tức thời.
Thiên hướng của “nhà lãnh đạo trước đám đông nơi góc bếp” nghe có vẻ to tát, bề thế lắm. Một chút kiến thức qua sách vở, bàn ghế nhà trường. Rồi cũng nói thạo vài thứ ngôn ngữ này kia, bất cứ lúc nào cũng “tuôn ra nghe chừng mình giỏi”, xem chừng giỏi giang hơn ai hết. Chẳng cần biết đối tượng tiếp xúc với mình là ai (trừ vị Thầy sơ cơ cho họ), tiếng Anh, tiếng Trung đọc leo lẻo còn hơn cả cách đọc tiếng Việt – Tiếng cha sinh mẹ đẻ thì ngọng líu ngọng lô. Họ thích nhận được sự chú ý. Đến chùa làm công quả, nếu là Thầy của họ, và được Thầy nhờ vả, họ tuân theo răm rắp. Ngoài khuôn khổ đó, họ mặc nhiên với mọi thứ chung quanh. “Đó không phải là trách nhiệm của tôi!”. Và, có bị người khác góp ý thì cũng chỉ là việc vô cùng bình thường. “Mặc. Tôi chỉ nghe Thầy tôi dạy. Và, những điều mà Thầy tôi dạy mới thật sự đúng!”. Đôi khi, còn xem tất cả những người họ tiếp xúc bảo ban, chỉ là chuyện tầm thường.
“Dạy con từ thuở còn thơ, …”, áp dụng vào việc dạy cho người trẻ đến chùa, học Phật, hành lời Phật dạy là câu chuyện mở. Bởi, ở đó không thể có sự áp đặt. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện. Và, bỏ qua cái lợi trước mắt, nhằm xây dựng cho người trẻ tìm hiểu giáo lý Phật giáo không phải đối mặt với cách nghĩ, cách làm mang tính “lệch lạc”, thì những vị Thầy ở mỗi ngôi chùa, cần phải có trách nhiệm. Thứ nhất là trách nhiệm gìn giữ gia tài đức Phật đã để lại. Thứ hai, là trách nhiệm của người trực tiếp nuôi lớn mạng mạch của Tăng già. Thứ ba là, đừng để bất cứ ai, bất cứ cá nhân nào, khi tiếp cận với giáo lý của đức Phật, với lời Phật dạy một cách cẩu thả, không có lề có lối. Từng ấy thôi – Nếu làm được, thì ý nghĩa của việc, khuyến khích người trẻ đến chùa, học và hành giáo lý của bậc giác ngộ mới thật sự có ý nghĩa. Nhân – Quả, rồi Bi – Trí – Dũng, sự khiêm hạ, từng ấy thôi, sẽ giúp bất cứ ai đang mưu cầu có được cuộc sống vui, khỏe, an nhiên, tự tại và thảnh thơi!!!
T/g: Viên Quang – Đinh Anh Tuấn