Tháng bảy, mạn đàm về trách nhiệm báo đáp ân Sư trưởng

 

Tác giả: Tỳ kheo. Thích Quảng Đạt

 

Mỗi người chúng ta đều đã thọ nhận rất nhiều ơn nghĩa, như là: Ân Tam Bảo, ơn cha mẹ, ân Sư trưởng… Trong các kinh, Đức Phật đã từng khuyên rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy nên nhớ nghĩ đến những người như cha mẹ, Thầy Tổ đã từng sanh ra và nuôi dạy chúng ta nên người, hai công ơn đó rất lớn”.

 Quả thật, chúng ta phải có thiện duyên thù thắng mới được xuất gia, quay về với Tam Bảo, được học hỏi Phật pháp, được Thầy trao truyền giới-thân-huệ mạng, kiến thức; như con thuyền đưa người từ sông mê sang bến giác! Trọng ân ấy, chúng ta phải nên đáp đền.

Cha mẹ sinh dưỡng thân ta, nhưng nếu không có bậc Thầy thế gian thì chúng ta không biết lễ nghĩa, không có bậc Thầy xuất thế thì chúng ta không hiểu Phật pháp. Lễ nghĩa không biết thì chẳng khác gì muôn vật, Phật pháp không hiểu thì nào khác người phàm tục. Nay ta được thọ thân người, được biết lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật pháp, tất thảy đều nhờ công ơn Sư Trưởng mà có được. Nếu ta mang ơn Cha Mẹ vì công sinh thành dưỡng dục trong một đời, thì ta càng phải nhớ ơn Sư Trưởng gấp bội lần hơn, vì Sư Trưởng là người thế phát, sinh ra giới thân của chúng ta, nuôi lớn huệ mạng bất sinh bất diệt của ta, dìu dắt ta trên con đường giác ngộ giải thoát. Sư Trưởng là người luôn kề vai sát cánh chúng ta, dõi theo từng bước chân mềm mỏng của hàng đệ tử trên con đường học Phật, luôn ươm mầm, tưới bón cho hạt giống Từ bi-Trí tuệ được gieo trồng phát triển xanh tươi. Công ơn của vị Bổn Sư cao vời vợi, làm sao ngôn từ nào có thể nói hết được! Vậy nên, “Tri Ân – Báo Ân”, chính là bổn phận, là trách nhiệm của một hành giả xuất gia.

Có “Tri Ân”-tức biết rõ và ghi nhớ các công ơn mà bản thân mình thọ nhận thì mới có thể “Báo Ân”. Thế nên, khi tự thân chúng ta nhìn thấy được công ơn Sư trưởng, thì chúng ta mới có thể khắc ghi để đền đáp thâm ân ấy!

“Tri Ân Báo Ân” không phải là một lời nói, không phải là món quà dâng lên cúng dường, không phải là hình thức lễ lạy, mà đó là cả một quá trình không ngừng nỗ lực, phấn đấu! Sự nỗ lực đó, không nằm ngoài mục tiêu tu học và phụng sự với tất cả chí nguyện, khép mình vào nề nếp, thanh quy, để có thể truyền đăng tục diệm, tiếp nối sự nghiệp của Thầy Tổ. Khi ấy, chúng ta mới có thể nói lên câu “đền đáp thâm ân trong muôn một”.

Là hàng đệ tử, chúng ta cần ý thức bổn phận hiếu kính thẩy, phải nghĩ rằng hình ảnh của vị thầy là sự kết hợp song song giữa cha và mẹ. Thế nên, có khi thầy nghiêm khắc như cha, cũng có khi từ hòa như người mẹ. Chúng ta phải nhớ rằng, “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (Nghĩa: Thân người khó được, Pháp Phật khó thông), một lần vuột mất thân người thì muôn kiếp khó tìm lại. Vì thế, đối với Sư trưởng phải có niềm tin, lòng không nên sanh ác tâm, nghi hoặc, mà lãnh chịu cái quả của “bất hiếu đồ”!

Hơn thế nữa, đã là một người xuất gia, tức chúng ta đã chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp trong cuộc đời. Để không luống hoài một đời, chúng ta phải nỗ lực kiện toàn nhân cách đạo đức của một người tu sĩ:

Đối với bản thân, chúng ta sống đúng với giới luật, sống đúng với những lời Phật dạy.

Đối với Tòng lâm, chúng ta tôn trọng những nguyên tắc sống chung trong tập thể Tăng đoàn, tôn trọng sáu pháp hòa kính và quy củ thiền môn.

Đối với đạo pháp, chúng ta phải có trách nhiệm trước sự tồn vong của chánh pháp, góp phần xây dựng “ngôi nhà chánh pháp” thường tồn ở thế gian.

Đối với xã hội, chúng ta là những người mang sứ mệnh “đi xây nền tảng đạo đức” cho nhân loại.

Ý thức được vị trí quan trọng và trách nhiệm nặng nề là thế, chúng ta phải nỗ lực học tập và hành trì theo lời Phật dạy, thì mới mong đạt được chí nguyện của mình, để khỏi cô phụ ân đức của chư Phật, ân giáo dưỡng của Thầy Tổ, ân sanh thành của cha mẹ, ân cơm áo của đàn na.

Sống trong đời, chúng ta đã thọ ân rất nhiều, những kỳ vọng của mọi người đối với chúng ta cũng rất lớn, trên vai chúng ta mang nặng những trọng trách, nên chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn thì mới không có phụ những công ơn ấy. Đặc biệt là chúng ta cần làm tròn bổn phận của người đệ tử đối với lời dạy của thầy mình.

Mặt khác, tình thầy trò là một tình cảm thiêng liêng và thuận theo lẽ tự nhiên. Vì thế, dù ở quốc độ nào hay bối cảnh xã hội nào, thì tình cảm ấy cũng là một nền tảng đạo đức cơ bản của con người. Hình ảnh của vị thầy, từ bao đời nay đã trở thành khuôn mẫu sáng suốt, nhiệt tình với trí tuệ – đạo lực, luôn sẵn sàng để che chở cho đệ tử. Và vì thế, người đệ tử cót bổn phận gần gũi hầu thầy, đúng như phép tắc và dù bất cứ nơi đâu cũng luôn hoài niệm thâm ân về thầy.

Trong một xã hội đang từng ngày phong hóa, có lẽ, sẽ có nhiều vấn đề nan giải xảy ra giữa thầy và trò. Nếu ngày trước, các bậc tôn túc tiền bối trưởng thành trong môi trường mang nặng tư tưởng của Nho giáo, đặt nặng về mối quan hệ Thầy-trò; thì trong thời đại ngày nay, người đệ tử ít nhiều bị phong hóa, pha tạp bởi những luồng văn hóa ngoại lai. Trước những làn sóng phong hóa ấy, bậc Thầy Tổ vẫn thường lo lắng khi thấy đệ tử của mình sống hơi “cách tân”, lo cho phẩm hạnh của tu sĩ sẽ ngày càng mai một, sợ đệ tử mình đạo hạnh còn non kém dễ bị đồng hóa với các trào lưu xã hội. Trong khi đó, người học trò với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn chứng minh mình, muốn “vẫy vùng” cho thỏa chí, muốn có một cuộc sống hiện đại đuổi kịp với thời đại, mà đôi lúc quên mất “mình là ai”! Hơn nữa, giữa thầy và trò – Hai thế hệ khác nhau, chắc hẳn sẽ có sự “chông chênh” nhất định về cách nhìn cuộc sống. Thêm vào đó, vấn đề học vấn của tu sĩ trẻ hiện nay, không chỉ giới hạn trong phạm vi nội điển, mà còn được mở rộng ra việc tiếp thu các kiến thức ngoại điển, nâng cao trình độ thế học, để có thể thích nghi tốc độ sự phát triển của xã hội.

Trước mong muốn nâng cao sở học, một bộ phận Tăng Ni trẻ hiện nay có tư tưởng xa rời Thầy Tổ, bổn sư để đi “y chỉ” một vị thầy khác, vì lý do: “tự thân nghĩ rằng vị thầy bổn sư không đáp ứng cho mình được đầy đủ các nhu cầu trong việc tu tập, hoặc cho rằng thầy khắc khe, áp đặt, gò bó,… nên tự tìm chốn khác để ra đi”?!. Nhưng kỳ thực, những vị ấy đâu hiểu rằng: Trước khi xuất gia, mình cần phải lựa chọn một vị thầy, một môi trường phù hợp để mình gửi gắm và trao trọn niềm tin, quyết tâm tu học. Khi dấn thân vào con đường tu học, không thể tránh khỏi những va vấp, khó khăn, thử thách, bởi “lửa thử vàng, gian nan thử sức”-Mọi khó khăn trên đường đời chỉ là phép thử đối với mỗi người mà thôi. Nỗ lực vượt qua chúng thì bản thân mới trở nên can trường, đủ nghị lực để đi trọn vẹn con đường học đạo. Sự nghiêm khắc, có chăng đó là những bài học của Thầy Tổ để rèn tính kiên trì, nhẫn nhục, là điều kiện cho chúng ta được trui rèn, tôi luyện, cứng cáp hơn trước mọi chướng ngại trên con đường hành đạo sau này. Ấy thế mà, vào chùa chưa được bao lâu, giới luật chưa tường tận, kinh điển chưa tham cứu, công phu công quả chưa thuần thục, đã khởi sanh tâm tự mãn, cho mình là hay là giỏi, xem thường tài đức của Thầy Tổ, chê bai, xem nhẹ quy củ thiền môn, mặc nhiên cho rằng đấy là những giáo điều cổ xúy, lạc hậu, chằng còn phù hợp với cuộc sống ngày nay. Để rồi thôi thúc, phóng tâm đi tìm vị thầy khác y chỉ, mà tự thân lại chẳng hiểu nổi hai từ “Y Chỉ” có ý nghĩa là gì!.

“Y Chỉ” có nghĩa là “y theo lời dạy của Thầy Tổ chỉ dạy mà đến cầu pháp với vị thầy khác, để mở mang kiến thức Phật pháp, tiến tu đạo nghiệp”. Đây chính là điều kiện mà chư tổ đưa ra nhằm tạo thuận duyên, giúp cho những vị hành giả có cơ hội, điều kiện tiếp thu thêm những tư tưởng mới từ những vị thầy khác, hoặc để có một nơi thuận tiện cho quá trình tu học. Tuy nhiên, muốn đi y chỉ hoặc nhận một vị thầy làm y chỉ sư, thì vị hành giả cần phải được sự đồng ý, giới thiệu của thầy bổn sư, có như vậy, việc lựa chọn y chỉ sư mới không sai lầm, con đường tu học mới không trắc trở. Như vậy, cần phải hiểu: Y chỉ là con đường tìm cầu học đạo, mặc nhiên không phải là việc bỏ thầy bỏ tổ; như thực trạng hiện nay của một bộ phận Tăng – Ni trẻ.

Trong kinh Di Giáo, trước khi Đức Phật nhập diệt, Ngài đã căn dặn hàng hậu học rằng: “Hãy lấy giới luật làm thầy”. Cho nên, hành giả xuất gia học Phật ngoài việc thân cận, nương tựa vị bổn sư, thọ nhận sự dạy dỗ, dìu dắt, hướng đạo chân chánh của vị bổn sư ấy; còn phải nghiêm trì giới luật, có giữ giới thì mới có thể trang nghiêm thân tướng, có trang nghiêm thân tướng mới có thể định tâm mà phát sanh trí tuệ. Vậy nên, người đệ tử hành trì giới luật cũng chính là đang báo đáp ân trọng của Thầy Tổ. Bởi lẽ, Thầy Tổ cũng như giới luật, là tấm gương thành tựu trong quá trình tu tập giữ giới mà chúng ta có cơ hội được thân cận.

Trong vị trí của người học trò, người đệ tử, chúng ta cần ý thức trọng trách của bản thân, làm thế nào để thầy được yên tâm, không lo lắng gì về mình. Phải luôn tâm niệm ân đức Sư trưởng, vì lẽ rằng ân đức đó suốt kiếp này ta cũng không thể đáp đền:

“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”./.

 

Đăng: Phúc Trí

 

Bài viết khác