CHUÔNG CHÙA DIỀM XÃ VIÊM XÁ (BẮC NINH) ĐÚC NĂM PHÚC THÁI 7 (1649)

CHUÔNG CHÙA DIỀM XÃ VIÊM XÁ (BẮC NINH) ĐÚC NĂM PHÚC THÁI 7 (1649)

Theo: CÔNG MINH Đại học Văn hóa Hà Nội

Chùa Diềm, có tên chữ là Hưng Sơn tự (chùa Hưng Sơn) ở xã Viêm Xá, huyện Vũ Giang, tỉnh Bắc Ninh là ngôi chùa lớn, vốn có một quả chuông đồng được đúc năm Phúc Thái 7 (1649) đời vua Lê Chân Tông. Chuông hiện đã mất, nhưng còn bản rập do Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp thực hiện trước năm 1945, hiện được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 5279/ab.

Bản rập chỉ in trên 2 ô lớn phía trên của thân chuông, nơi khắc văn bản chữ Hán, còn 2 ô còn lại do không có văn bản nên không in rập, cùng 4 ô nhỏ ở dưới và trang trí vành miệng, quai chuông đều không được in rập. Tên chuông có 8 chữ đại tự khắc trên 4 mặt chuông, mỗi mặt 2 chữ là “Tân tạo tường chú Hưng Sơn tự chung”, song bản rập in chung trên một tờ giấy. Hai bản rập chính có kích thước là 45x36cm. Nội dung minh văn ghi giáo lý và công dụng tiếng chuông, đồng thời ngợi ca công đức và tài nghệ thợ đúc quả chuông này.

Chữ khắc trên chuông rất đẹp, đương nhiên chuông này được đúc cũng khá công phu và hoàn mỹ. Đây là một trong số không nhiều chuông thời Lê giữa thế kỉ XVII còn lại ở nước ta. Rất tiếc là không rõ vì lí do gì mà chuông bị thất lạc trong thời gian gần đây. Để hiểu rõ quả chuông này và ngôi chùa Hưng Sơn thời Lê thế kỉ XVII, chúng tôi giới thiệu nội dung minh văn qua phần dịch nghĩa sau đây, đồng thời cảnh tỉnh việc quản lý và bảo vệ di vật cổ, kể cả những quả chuông nặng hàng trăm kg như chuông Diềm này, cùng một bia đá khác cũng ở đây bị mất.

Dịch nghĩa:

Đúc mới chuông chùa Hưng Sơn

Lời thuật và bài minh về việc đúc mới chuông chùa Hưng Sơn.

Thường nghe núi pháp cao vút có tuệ lực ở đó vậy mà thấu đáo mọi điều. Biển giáo mênh mông, mượn thuyền từ làm phương tiện đến được bờ giác. Nơi đó con người đạt được phúc điền mà tránh mọi biển phiền muộn, có phúc lớn niệm Phật. Ngàn vạn không chút sai sót, ba loại phúc là chung phúc điền, ân phúc điền và từ bi phúc điền, cung kính tâm niệm hết thảy không để sai sót. Tất cả quy về một lòng niệm Phật, khuyên người niệm Phật, thỉnh chuông niệm Phật, tụng kinh niệm Phật. Chuông là pháp khí nhà chùa, là âm luật quốc nội. Người xưa luyện chuỳ ở núi Ngu, hội long thiên bát bộ, nhà Hạ Vũ treo chuông trống ở sân điện để tiếp đãi hiền sĩ bốn phương. Nho Phật đều như vậy cả là để thông suốt tâm thức, trên thấu đạt đến thiên đường, dưới lan rộng nơi địa phủ. Chuông trống nhất thảy cùng hoà âm, khiến người người giác ngộ, tỉnh cơm mê muội. Tiếng chuông huyền diệu vang động lầu trung, thông khắp thập phương, nơi nơi đều biết, mở rộng cõi bồ đề, nhẹ bớt phiền não. Xưa các bậc hiền sĩ lấy đó ghi lại mà truyền mãi về sau. Trải triều Lý xưa có Không Lộ thiền sư sang thượng quốc học phép hóa đồng thành tứ khí, làm nên Thánh tích ở chùa Phả Lại của nước Nam ta.

Nay có bà Lê Thị Ngọc Liêm hiệu Diệu Thái trước khuyến Vương công, sau bố thí vật liệu tạo chuông cho chùa Hưng Sơn, danh lam cổ tích ở xã Viêm Xá, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Dân xã cùng đứng ra quyên góp tiền của đúc mới một quả chuông lớn. Nếu không có phúc đức, có lòng tâm niệm Phật pháp thì không thể thành. Công đức ấy lớn lao khó thể lường được.

Vị Hội chủ phụng Phật này người xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam nước Đại Việt, sống ở Trung đô Vương phủ nội cung tần Lê Thị Ngọc Liêm hiệu Diệu Thái, và tăng nữ xuất gia trụ trì chùa Hưng Sơn là Đỗ Thị Ngọc Cảnh hiệu Diệu Như cùng tự bỏ tiền của tạo thành pháp khí. Vương công thập phương tín thí trợ giúp đức kết thiệm duyên, lập đàn tràng mở hội quyên góp. Thế là tài vật khắp nơi đổ về, đồng khí đúc xong nặng tới nghìn cân có dư, càng hoằng dương Phật pháp, đúc chuông lớn chùa Hưng Sơn. Cổ nhân có câu: hễ nghe thấy tiếng chuông thì phiền não tiêu tan, trí tuệ trường tồn, bồ đề sinh sôi, địa ngục siêu thoát. Nguyện lòng thành Phật đạo, cứu độ chúng sinh, cầu cho tiếng chuông này siêu pháp giới. Khai quang u ám, chiếu rọi quang minh, tam đồ bát nạn gắng sức luân hồi. Nhất thiết chúng sinh thành chính giác. Vì thế mà thuật lại. Bài minh rằng:

Hoàng đồ củng cố, Quốc thế an cường,
Man di phụng tiến, Vạn quốc chầu vương.
Yên Phong huyện ấy, Chế độ kỷ cương,
Phật Thần hiển ứng Phù hộ lân hương,
Quý quan chức trọng. Phụ tá thánh Hoàng,
Trước núi sau sông Nghiêm trang trong ngoài
Vũ thăng quận quốc, Văn chiếm bảng vàng.
Nông nhiều sản vật Tích chưa đầy rương.
Sư nhiều công lộc, Phú quý vinh quang.
Sớm chuông chiều trống, Chúc Thánh thắp hương.
Chuông lớn nguyện thỉnh, Tiếng vang muôn phương.
Dưới thông đại phủ, Trên thấu thiên đường.
Trời ban ngũ phúc, Phật phát bách tường.
Thánh hiền chứng giám, Sãi vãi thọ trường.
Toàn xã lớn nhỏ, Người vật an khang.
Đàn na hội lập, Thày đều vinh xương.
Có bao tính danh, Kê khai sau hết.

Ngày lành tháng 3 năm Kỷ Sửu Phúc Thái thứ 7 (1649). Vị họ Nguyễn xã An Việt huyện Siêu Loại khắc.

 

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr377-381

……………………………………………………………………

 img_0057

Hình ảnh:  chùa Hưng Sơn thôn Viêm Xá ngày nay được xây dựng lại ngày 04/07/ năm Bính Tuất (2006)

Chùa Diềm (Hưng Sơn Tự) xã Viêm Xã ngày xưa ngày nay là chùa Diềm (Hưng Sơn Tự) thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, Tp Bắc Ninh. Ngày xưa chùa còn có tên là Phổ Chiếu Tự. Tên Phổ Chiếu Tự có từ thời nào thì chưa rõ (Quảng Hợp).

Bài viết khác